Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ninh Hải cho biết: Đa số người dân địa phương sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vì thế, ngoài việc mở các lớp đào tạo nghề thủ công truyền thống, hằng năm, huyện còn tổ chức khảo sát thực tế để nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu học nghề của người dân. Trên cơ sở đó, tiến hành liên kết với các đơn vị liên quan để mở lớp bằng những chương trình dạy nghề phù hợp, tập trung chủ yếu như trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản... Sau khi kết thúc khóa học, nhiều học viên áp dụng kiến thức để mở rộng sản xuất theo hướng tập trung gắn với áp dụng kỹ thuật tiên tiến trên diện rộng, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai; nâng cao hiệu quả lao động và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.
Từ kiến thức học được qua lớp đào tạo nghề, giúp anh Trương Khắc Hiếu
trồng hành tím cho hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, huyện phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận tổ chức 8 lớp, với 240 học viên tham gia về kỹ thuật trồng măng tây xanh, trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn, kỹ thuật chế biến và nuôi trồng thủy sản… qua đó giúp nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất. Đến thăm gia đình anh Trương Khắc Hiếu, ở thôn Mỹ Tường 2 (xã Nhơn Hải), mới thấy những kết quả đáng mừng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Ninh Hải. Trước đây, với 2 sào đất trồng hành tím, do không nắm bắt được kỹ thuật trồng và thời vụ xuống giống hợp lý, nên năng suất đạt thấp. Năm 2015, sau khi hoàn thành khóa học 3 tháng về kỹ thuật trồng hành tỏi được tổ chức tại xã, anh Hiếu đã áp dụng thành công việc trồng hành tím theo đúng quy trình khuyến nông hướng dẫn và đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, năng suất hành đạt từ 2,5-3 tấn/sào/vụ. Ngoài ra, sản phẩm hành giống sau khi thu hoạch của gia đình cũng được bảo quản tốt, không bị thối củ, giá bán cũng cao hơn. Tương tự hộ anh Trần Văn Nghĩa, ở thôn Tân An (xã Tri Hải), nhờ vận dụng kiến thức học được, 3 sào nuôi ốc hương của gia đình luôn phát triển tốt, việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh, môi trường nước được đảm bảo, cho năng suất đạt cao. Ngoài ra, khi tham gia lớp học, bà con nông dân còn được tham quan, học tập kinh nghiệm cách làm ăn hiệu quả của một số hộ gia đình tại địa phương. Nhờ đó, nhiều học viên được tiếp cận, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ phù hợp theo điều kiện của mình. Trong đó, nhiều mô hình được nông dân áp dụng và cho thu nhập ổn định như: Nuôi cá bớp trong lồng bè, nuôi tôm hùm kết hợp với hải sâm và rong nho; trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi bò vỗ béo; dê, cừu sinh sản…
Có thể nói, thông qua các lớp đào tạo về nông nghiệp, không chỉ trang bị cho người dân kiến thức để linh hoạt trong cách thức tổ chức sản xuất hiệu quả mà còn là cơ sở quan trọng thúc đẩy các sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực này phát triển toàn diện. Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thêm: Kế hoạch của huyện phấn đấu từ nay đến cuối năm, phối hợp với các Trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh mở thêm 7 lớp cho lao động nông thôn, với khoảng 450 học viên theo chỉ tiêu của tỉnh giao. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc học nghề đối với phát triển kinh tế-xã hội của huyện, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trên địa bàn.
Hồng Lâm