Toàn tỉnh có 37 xã của 6 huyện thuộc khu vực dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, với diện tích tự nhiên 2.820 ngàn ha, chiếm 84,1% diện tích toàn tỉnh; dân số trên 348,3 ngàn người, chiếm gần 57% dân số của tỉnh, trong đó, đồng bào DTTS có 162 ngàn người với 33 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 46,5% dân số của vùng, chủ yếu là dân tộc Chăm và dân tộc Raglai.
Nông dân thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) phát triển diện tích
trồng giống ớt Hàn Quốc cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Miên
Trong những năm qua, phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền và giữa các dân tộc. Chỉ tính giai đoạn 2010-2017, UBND tỉnh đã tập trung huy động, ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Chương trình 30a, 134, 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, kênh mương, thủy lợi, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu, vốn tín dụng ưu đãi, ODA... Kết quả, trong 7 năm đã huy động được trên 5.935 tỷ đồng (bình quân mỗi năm trên 800 tỷ đồng) để đầu tư cho gần 800 hạng mục công trình, trong đó tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, nông nghiệp và thủy lợi, giáo dục và đào tạo, y tế, nước sinh hoạt là những lĩnh vực bức xúc, khó khăn nhất của vùng đồng bào DTTS. Trong tổng nguồn vốn huy động, ngân sách Trung ương hơn 5.276 tỷ đồng, ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn tín dụng ưu đãi) 464 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp và huy động khác 195 tỷ đồng. Đơn cử như về hạ tầng giao thông, tỉnh đã đầu tư xây dựng 309 công trình giao thông tuyến tỉnh, huyện và giao thông nông thôn, với tổng vốn 1.486 tỷ đồng (chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn vùng). Ngoài việc nâng cấp các tuyến Quốc lộ 27, 27B đi qua địa bàn các huyện miền núi, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã cũng được tập trung đầu tư, như: đường Phước Sơn-Hòa Sơn, đường Phước Chiến-Phước Thành, đường An Hòa-Phước Trung, đường Ma Nới-Gia Hoa, đường Ninh Bình-Phước Bình, đường Phước Đại-Phước Trung, đường Ba Tháp-Suối Le-Phước Kháng... Đã có trên 130 km đường ngõ xóm, trục thôn, đường nội đồng được nâng cấp, sửa chữa, bê tông hóa. Đến nay, 100% xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, tỷ lệ đường giao thông trên khu vực được cứng hoá, cấp phối sỏi đỏ tăng hàng năm.
Tuyến Quốc lộ 27 đi qua huyện Ninh Sơn được đầu tư nâng cấp, góp phần
thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền núi phía Bắc của tỉnh.
Hạ tầng nông nghiệp và thủy lợi luôn được ưu tiên đầu tư. Trong thời gian qua, với tổng kinh phí được hỗ trợ 2.529 tỷ đồng (chiếm 43% tổng vốn đầu tư cho vùng), đã thực hiện đầu tư 130 công trình gồm hồ thủy lợi, kè, đập, hệ thống kênh cấp II, III. Kết quả, trong 7 năm qua, đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 hồ chứa với tổng dung tích 66,55 triệu m3; thực hiện đầu tư xây mới và nâng cấp trên 200 km hệ thống kênh mương cấp II, III, kênh mương nội đồng; qua đó đã góp phần nâng năng lực tưới thêm 5.500 ha đất canh tác, trong đó vùng miền núi hơn 2.000 ha, nhiều cánh đồng đã chủ động được nguồn nước tưới 2 vụ/năm, góp phần tăng năng suất cây trồng, giải quyết nước uống cho gia súc và cải thiện mực nước ngầm phục vụ dân sinh. Hạ tầng cung cấp điện, nước sạch cũng được quan tâm đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng. Đến nay, 100% thôn đều có mạng lưới điện quốc gia, trên 98% số hộ trên địa bàn sử dụng điện thắp sáng; 90,5% người dân vùng nông thôn của tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó vùng dân tộc miền núi đạt trên 80%.
Ngoài việc ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, tỉnh cũng đã quan tâm dành nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh khác như hỗ trợ xây mới trên 5.500 căn nhà cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; khai hoang, cải tạo và phục hóa trên 2.500 ha đất sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho trên 300 hộ DTTS ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ định canh định cư cho 186 hộ/790 khẩu thuộc 2 dự án định canh định cư tập trung ở các xã: Bắc Sơn (Thuận Bắc) và Lâm Sơn (Ninh Sơn). Đồng thời, xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các công trình chợ nông thôn; thực hiện các dự án di dân chống sạt lở tại địa điểm có nguy cơ cao cho 122 hộ dân ở thôn Ma Nai, xã Phước Thành (Bác Ái) và 2 thôn Tầm Ngân 1, 2, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) với kinh phí trên 37,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có nhiều chương trình, đề án để kêu gọi sự tài trợ của các dự án ODA, nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) vào khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đã huy động được 7 dự án ODA và 12 dự án NGO tài trợ, với tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng. Đây là dự án có tác động trực tiếp đến người dân thụ hưởng, nhất là người nghèo, DTTS, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tổng giá trị sản xuất toàn vùng tăng bình quân 11,9%/năm, đạt khoảng 3.100 tỷ đồng năm 2017; thu nhập thực tế của người dân ngày một nâng lên từ 12 triệu đồng (năm 2015) lên 17 triệu đồng (năm 2017), tăng 17%; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm, trong đó huyện nghèo Bác Ái giảm bình quân 5,2%/năm...
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế vẫn còn chuyển dịch chậm, sản xuất chủ yếu vẫn là nông nghiệp, phụ thuộc nhiều thiên nhiên. Kết cấu hạ tầng dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đồng bộ, đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo trong vùng chiếm 27%, riêng huyện Bác Ái tỷ lệ hộ nghèo chiếm 46,37%... Vì thế, đòi hỏi cần có quyết tâm cao hơn không chỉ của địa phương và người dân trong vùng mà còn có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đối với tỉnh ta nói chung, vùng DTTS và miền núi nói riêng.
Mai Dũng