Chuyển biến từ thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Bài 2: Liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập kinh tế

(NTO) Gần đây nhiều địa phương đang thực hiện nhanh chuyển đổi cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, từng bước gắn với giết mổ, chế biến đã nâng cao được giá trị gia tăng mặt hàng thực phẩm. Đặc biệt, mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị đang có xu hướng phát triển mạnh với một số doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư về công nghệ, thiết bị, giống, thúc đẩy ngành chăn nuôi tăng trưởng nhanh.

Xác định vai trò quan trọng của tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị trong thời hội nhập, tỉnh đã ban hành một số chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, qua đó hình thành các mối liên kết sản xuất từ khâu cung cấp con giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đến thu mua và chế biến sản phẩm, đưa lại nhiều lợi ích cho nông dân. Đối với chăn nuôi gia súc có sừng, thông qua thực hiện các chương trình, dự án, trên địa bàn tỉnh hình thành được các chuỗi giá trị, đáng kể nhất là chuỗi giá trị dê, cừu, tổng mức đầu tư trên 6,7 tỷ đồng với 978 hộ tham gia, đưa lại thu nhập tăng dần theo từng năm. Đồng chí Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhìn nhận: Đây là những chuỗi giá trị thế mạnh phù hợp với tập quán chăn nuôi của bà con ở từng địa phương, hiệu quả cao. Trong chuỗi có sự đầu tư mạnh của Cơ sở Kinh doanh dê, cừu Triệu Tín bằng hình thức cung cấp con giống cho nông dân nuôi vỗ béo. Hiện nay, chuỗi liên kết nuôi dê, cừu đang được nhân rộng, tạo sinh kế cho nhiều hộ nghèo. Cùng với đó, chuỗi giá trị chăn nuôi heo cũng phát triển mạnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 44 trang trại chăn nuôi heo gia công cho Công ty Chăn nuôi CP chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, với số lượng khoảng 40.500 con. Ngoài ra, mô hình chuỗi chăn nuôi của Dự án Hỗ trợ Tam nông giai đoạn 2011-2017 cũng đang tiếp tục được duy trì, phát triển. Với mục tiêu trọng tâm nhằm tăng cường sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở khu vực nông thôn vào các hoạt động kinh tế gắn với phát triển chuỗi giá trị, kết nối thị trường để tăng thu nhập một cách bền vững, dự án đã hỗ trợ thành lập 280 nhóm sở thích chăn nuôi liên quan đến chuỗi giá trị; trong đó, bò 161 nhóm, dê 49 nhóm, cừu 46 nhóm, heo 5 nhóm, gà 19 nhóm.

Nông dân liên kết chăn nuôi theo quy mô gia trại có hiệu quả.

Hoạt động xây dựng chuỗi giá trị không ngừng được mở rộng, làm cho “bức tranh” chăn nuôi thêm nhiều gam màu sáng. Nhằm tạo ra sản phẩm sạch để đạt tiêu chí vào được các thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sơ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn để tạo điều kiện cho giết mổ công nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua 3 năm thực hiện Quyết định 2186/QĐ-UBND ngày 28-10-2014 của UBND tỉnh về Đề án Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 đến nay đạt được những kết quả nhất định. Hiện có 6/12 cơ sở hoàn thiện đi vào hoạt động. Đặc biệt, cơ sở giết mổ tập trung ở Tp.Phan Rang – Tháp Chàm sau một thời gian dài triển khai gặp khó khăn, đến nay đã được xây dựng, giải quyết tình trạng giết mổ động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, các cơ sở giết mổ tập trung ở huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải cũng đang được xúc tiến xây dựng là thành công lớn của ngành Nông nghiệp trong phát triển giá trị các sản phẩm đặc thù, giành thị phần tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Nhìn lại hoạt động liên kết để thấy, các cơ sở, hộ chăn nuôi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm, hình thức này mang tính bền vững cao do có sự chia sẻ lợi nhuận, cũng như chia sẻ khó khăn giữa các khâu trong quy trình sản xuất khép kín. Đơn cử, từ việc liên kết sản xuất heo, Công ty Chăn nuôi CP đã xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch có ý nghĩa lớn trong bình ổn giá mặt hàng thực phẩm. Các hoạt động liên kết chăn nuôi dê, cừu cũng đã mở rộng thị phần thịt ở các tỉnh thành trong cả nước. Chỉ tính riêng Cơ sở Kinh doanh dê, cừu Triệu Tín đã đầu tư con giống, thức ăn gia súc cho 40 hộ chăn nuôi; đồng thời, bao tiêu sản phẩm, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường trên cả nước 3.000 con.

Đồng chí Trương Khắc Trí, cho biết thêm: Tiếp tục cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa công nghiệp, thời gian tới tỉnh ưu tiên phát triển chăn nuôi theo chuỗi đồng bộ từ thức ăn, con giống, sản xuất, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hộ nuôi về tầm quan trọng của liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng như hiện nay.

>> Bài 1: Nhân rộng mô hình sản xuất thích ứng với hạn hán, hướng phát triển chăn nuôi bền vững

----------------

(Mời xem tiếp kỳ sau)

Bài cuối: Phát triển chăn nuôi theo hướng gắn với thị trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.