Với lợi thế bờ biển dài 54 km, ngoài việc thuận lợi trong khai thác, đánh bắt thủy sản, hoạt động nuôi trồng thủy sản chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của huyện, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Hộ Hải, Tri Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải… Đây là những địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, hệ thống ao, đìa tập trung... Từ tiềm năng, thế mạnh vùng biển, huyện xác định mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của nuôi trồng thủy sản thông qua việc quy hoạch vùng nuôi, lựa chọn đối tượng nuôi trồng phù hợp; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh… giúp người dân sản xuất thuận lợi, nâng cao năng suất và sản lượng.
Người dân Ninh Hải nuôi ốc hương cho thu nhập cao.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh được minh chứng qua các mô hình sản xuất hiệu quả và được nhân rộng trên địa bàn như: Mô hình nuôi ốc hương thương phẩm, tập trung ở các xã: Tri Hải, Tân Hải, Phương Hải; mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương ở các xã: Hộ Hải, Phương Hải, thị trấn Khánh Hải; nuôi tôm thẻ chân trắng trên ở Hộ Hải, Thanh Hải; trồng rong sụn trong lồng lưới ở Vĩnh Hải, Tri Hải; nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm và rong nho ở thị trấn Khánh Hải, Tri Hải; sản xuất muối kết hợp với nuôi Artemia, ở Phương Hải… Điều ghi nhận của nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương trong thời gian gần đây, chính là việc người dân có ý thức hơn trong việc lựa chọn con giống, cải tạo đìa nuôi và có trách nhiệm giữ gìn môi trường chung, nên tình hình được cải thiện rõ rệt, năng suất qua mỗi vụ thu hoạch đều tăng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn mạnh dạn đầu tư áp dụng mô hình nuôi khép kín, sử dụng công nghệ sục khí liên hoàn, máy cho tôm ăn tự động, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Cùng với đó, huyện còn có chủ trương khuyến khích, vận động người dân mạnh dạn đưa nhiều đối tượng nuôi có giá trị vào nuôi trồng. Nhờ đó, đến nay đã hình thành một số mô hình nuôi mới như cá biển, cua, ghẹ. Điển hình như ở xã Thanh Hải, tận dụng vùng nước biển gần bờ, nhiều hộ dân đã đầu tư nuôi cá bớp lồng cho thu nhập cao. Đơn cử như anh Võ Thắng, ở thôn Mỹ Tân 1 (Thanh Hải) với 4 lồng nuôi cá bớp, trên diện tích 80 m2, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh có thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm…
Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của các cơ sở, công ty sản xuất giống thủy sản cũng góp phần đáng kể trong việc cung cấp giống chất lượng cao cho người nuôi ở địa phương, với 190 trại chuyên sản xuất tôm giống, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ốc hương. Tổng diện tích thả nuôi hàng năm đối với tôm thương phẩm trên địa bàn khoảng 489 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 2.130 tấn; bên cạnh đó, diện tích nuôi ốc hương, rong sụn, cá biển, cua ghẹ… luôn được mở rộng với gần 200 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 350 tấn…; giá cả các mặt hàng thủy sản luôn ở mức cao và ổn định, tạo tâm lý phấn khởi cho hộ nuôi. Mặc dù đạt được kết quả nhất định, nhưng thực tế cho thấy nuôi trồng thủy sản ở Ninh Hải vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là sản xuất manh mún, thiếu liên tục, chưa chủ động được thời vụ, năng suất mang lại chưa đạt cao như mong đợi so với tiềm năng của huyện.
Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển hơn nữa trong thời gian tới, ông Lê Văn Ngọc, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Chủ trương của huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao chất lượng con giống; đẩy mạnh phát triển một số đối tượng nuôi tiềm năng. Vận động, khuyến khích người dân ứng dụng quy trình nuôi an toàn, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn…
Hồng Lâm