Chuyển biến từ thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Bài 1: Nhân rộng mô hình sản xuất thích ứng với hạn hán, hướng phát triển chăn nuôi bền vững

(NTO) Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển chăn nuôi gắn với chuỗi giá trị, giết mổ tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, chăn nuôi gần đây có bước đột phá lớn về tăng quy mô và chất lượng đàn, chiếm tỷ trọng cao (trên 30%) trong ngành Nông nghiệp.

Tỉnh ta có lợi thế phát triển chăn nuôi với các loài vật đặc thù của vùng nắng gió như dê, cừu, bò… được người tiêu dùng trên cả nước biết đến. Tuy vậy, ngành chăn nuôi đang đối diện với những khó khăn, thách thức do nắng hạn dẫn đến thức ăn cho gia súc ngày càng khan hiếm, đồng cỏ bị thu hẹp dần, tập quán chăn thả quảng canh giao phối cận huyết làm suy giảm chất lượng con giống. Để đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, thời gian qua ngành chức năng, các địa phương chú trọng thực hiện các chương trình, dự án, vận động nông dân nhân rộng các mô hình chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh có hiệu quả, thích ứng với điều kiện thực tế ở từng khu vực.

Khu vực chăn nuôi cừu tập trung ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái). Ảnh: A.T

Nổi lên là chương trình cải tạo đàn gia súc theo hướng lai tạo giống tốt có năng suất cao trong sản xuất thâm canh theo hướng thịt, làm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo báo cáo khảo sát năm 2017, tổng đàn gia súc có sừng trên địa tỉnh 415.199 con; trong đó, bò 112.444 con, tỷ lệ lai sind đạt 40,5%; dê, cừu gần 299.000 con, tỷ lệ lai đạt trên 60%. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông đang tiếp tục phối hợp triển khai công tác chuyển giao giống mới, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy nghề nuôi bò phát triển. Chương trình cải tạo đàn dê, cừu cũng được đẩy mạnh, khắc phục tình trạng cận huyết, đồng huyết làm vật nuôi chậm phát triển. Từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các địa phương đã triển khai hàng loạt các mô hình chăn nuôi tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình. Đơn cử, mô hình nuôi bò vỗ béo của anh Ngô Tấn Đức ở xã Tri Hải (Ninh Hải) với tổng đàn 40 con cho thu nhập khá, khuyến khích một số hộ đến tham quan, học tập làm theo. Mô hình nuôi cừu theo phương thức nhốt của anh Phạm Minh Quang ở thôn 3, xã Nhị Hà (Phước Nam) có sức lan tỏa mạnh bởi hiệu quả kinh tế cao. Bằng hình thức liên kết với các hộ quanh vùng để thu mua con giống về nuôi vỗ béo, trang trại của anh Quang bình quân mỗi tháng xuất chuồng 300 con, thu lãi 150 triệu đồng.

Ngoài ra, với việc thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Chăn nuôi đến năm 2020 đã tạo được chuyển biến tích cực trong việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại vừa và nhỏ. Toàn tỉnh hiện có 14 trang trại chăn nuôi bò với số lượng gần 2.000 con; 9 trang trại nuôi dê, cừu với số lượng hơn 6.000 con. Nếu như trước đây, chăn nuôi gia súc có sừng bằng hình thức quảng canh, nguồn thức ăn chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên, thì hiện nay nhiều hộ có khuynh hướng tận dụng tối đa phụ phẩm từ trồng trọt để vỗ béo gia súc. Rút kinh nghiệm sau những đợt hạn hán xảy ra trong thời gian qua làm cho một số lượng không nhỏ gia súc chết do suy dinh dưỡng, nông dân đã đầu tư trồng cỏ bổ sung nguồn thức ăn, nên hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra. Để khai thác tiềm năng, lợi thế từng khu vực, ngành Nông nghiệp xác định phân vùng chăn nuôi, ưu tiên hỗ trợ phát triển đàn gia súc theo hướng chăn thả đối với các huyện có thế mạnh rừng núi, đất trồng cỏ; phát triển đàn heo theo hướng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp ngoài vùng khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Các chương trình, dự án được triển khai đồng bộ, nhất là chương trình giao khoán bảo vệ rừng kết hợp sinh kế đã tạo cơ hội cho bà con vùng núi phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, vươn lên thoát nghèo.

Có thể nói, nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong hỗ trợ nông dân mở rộng chăn nuôi đã tạo chuyển biến tích cực, nhiều nông hộ linh hoạt áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế. Ở đồng bằng, hình thức tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nuôi vỗ béo cừu, dê, bò, góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều gia đình. Khu vực miền núi, mô hình chăn nuôi kết hợp với bảo vệ rừng đã khai thác được tiềm năng lợi thế của tự nhiên để phát triển bền vững. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để thực hiện đạt mục tiêu của Đề án Phát triển chăn nuôi đến năm 2020 là nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh ưu tiên phát triển các vật nuôi lợi thế như bò, dê, cừu theo chuỗi giá trị, quy mô hàng hóa.

--------------------------------

( Mời xem tiếp kỳ sau)

 Bài 2: Liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập kinh tế.