Cần thực chất trong đánh giá các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới

(NTO) Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng và thiết thực, có sức lan tỏa vào thực tiễn xây dựng NTM của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn NTM; trong 47 xã xây dựng NTM, bình quân đạt 13,15 tiêu chí/xã theo Bộ tiêu chí mới và đã “xóa” số xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tuy nhiên vẫn phải cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc duy trì, nâng chất lượng các tiêu chí đã đạt để thực sự trở thành xã NTM. Một trong những biện pháp, đó là cần đánh giá sát đúng từng tiêu chí để có giải pháp thực hiện hoặc khắc phục đạt hiệu quả cao nhất. Đặt ra vấn đề này bởi lẽ trong thực tế, các xã đã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí cũ trước đây thì nay “áp” sang Bộ tiêu chí mới đa phần các xã đều rơi vào tình cảnh “rớt” hạng. Cụ thể, theo thống kê mới đây cho thấy, trong 17 xã nói trên chỉ có 2 xã đã đạt và duy trì được 19 tiêu chí, 5 xã đạt 18 tiêu chí, 4 xã đạt 17 tiêu chí, 4 xã đạt 16 tiêu chí, 1 xã đạt 15 tiêu chí và “cá biệt” xã Công Hải chỉ mới đạt 13 tiêu chí!.

Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) mở rộng diện tích trồng măng tây xanh để phát triển kinh tế gia đình.

Các tiêu chí không đạt của các xã tập trung vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế, hệ thống tổ chức chính trị, quốc phòng và an ninh. Nguyên nhân, do Bộ Tiêu chí mới tuy vẫn gồm 5 nhóm, với 19 tiêu chí nhưng tăng từ 39 chỉ tiêu lên 49 chỉ tiêu; một số chỉ tiêu nâng cao chất lượng so với trước đây và bổ sung thêm nhiều nội dung mới. Mặt khác, yếu tố cũng không kém phần quan trọng là việc đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí của các xã có mặt còn chủ quan, cảm tính, thiếu số liệu chứng minh cụ thể. Một số tiêu chí thường đánh giá theo kiểu ước lượng như thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm (các nội dung về thu gom rác thải, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn…) hoặc cho nợ tiêu chí (chỉ tiêu về cán bộ, công chức xã đạt chuẩn). Đối với cấp huyện thường thiếu thẩm tra, đánh giá kết quả theo báo cáo của các xã. Có thể nói, những hạn chế đã nêu trên tác động không nhỏ đến “lệch chuẩn” khá cao giữa Bộ tiêu chí cũ với Bộ tiêu chí mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch-an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.