Tuy nhiên, bên cạnh những ngư hộ làm ăn đúng theo quy định của pháp luật thì vẫn còn những ngư dân lén lút khai thác bằng các nghề bị cấm do mang tính hủy diệt như sử dụng chất nổ, xung điện, nghề vây rút mùng để khai thác nhằm đạt lợi nhuận cao hơn, chi phí thấp hơn so với những nghề được cho phép. Thực tế này không những ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản biển mà còn tác động xấu đến thị trường hải sản xuất khẩu mà gần đây Ủy ban Châu Âu đã cảnh báo.
Hiện nay có gần 200 tàu cá hành nghề vây rút mùng của ngư dân 2 xã Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam) và 26 tàu cá hành nghề giã cào bay của tỉnh Bình Thuận thường xuyên khai thác “tận diệt” tại vùng biển ven bờ của huyện Thuận Nam, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản nơi đây, đồng thời dẫn đến tranh chấp ngư trường giữa ngư dân 2 tỉnh, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Bên cạnh đó, vùng biển giáp ranh giữa 2 tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận còn có nhiều tàu cá của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa,… đến đánh bắt. Trước thực trạng nêu trên, Chi cục Thủy sản tỉnh và Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đã ký kết quy chế phối hợp về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển giáp ranh để tăng cường phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp khai thác hải sản không đúng quy định, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển giáp ranh giữa 2 tỉnh.
Tàu BP 36-98-01 có công suất 3.000 CV thuộc Hải đội biên phòng 2 tuần tra, kiểm soát trên biển.
Trung tuần tháng 5 vừa qua (từ ngày 9 đến 15-5), có dịp cùng đi với Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Thuỷ sản tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bình Thuận tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tại vùng biển huyện Thuận Nam và khu vực giáp ranh Ninh Thuận-Bình Thuận. Trong đợt cao điểm này, các lực lượng chức năng của tỉnh đã điều động 2 tàu Kiểm ngư: VN-94113-KN có công suất 460 CV và VN-94109-KN có công suất 385 CV của Chi cục Thủy sản tỉnh và tàu BP 36-98-01 với công suất 3.000 CV thuộc Hải đội Biên phòng 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) để tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trên biển. Theo đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra các tàu cá khi xuất, nhập bến; kiểm tra các tàu cá hành nghề vây rút mùng trong và ngoài tỉnh là đối tượng có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất nổ để khai thác hải sản; tuần tra, kiểm soát tại khu vực thường xuyên xuất hiện các tàu cá hoạt động nghề giã cào bay khai thác hải sản trên vùng biển nội tỉnh; kiểm tra việc tranh chấp ngư trường, an ninh trật tự trên biển và hoạt động sai nội dung ghi trong giấy phép khai thác thủy sản về vùng khai thác... Qua kiểm tra 115 lượt tàu cá, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 37 trường hợp, với số tiền 33,5 triệu đồng, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản của 7 tàu cá hành nghề vây rút mùng.
Ông Lê Văn Kính, Thuyền phó tàu Kiểm ngư (Chi cục Thủy sản Bình Thuận) cho biết: Hàng năm, bước vào đầu vụ cá Nam, các tàu cá thường sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản tại vùng biển giáp ranh giữa 2 tỉnh, nên Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận thường xuyên phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và lực lượng Kiểm ngư Ninh Thuận để ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác trái phép này. Đồng thời, Chi cục hai bên thường xuyên kết hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá hành nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến. Lực lượng chức năng luôn bám biển 24/24h để kịp thời xử lý các điểm nóng trên địa bàn 2 tỉnh.
Theo ghi nhận của chúng tôi, khi lực lượng chức năng phát hiệu lệnh kiểm tra một số tàu cá có dấu hiệu vi phạm thì có một số trường hợp không hợp tác mà còn có hành vi chống đối, nhổ neo chạy trốn. Tiến hành kiểm tra tàu cá mang số hiệu NT-91262 TS hành nghề vây rút mùng, có công suất 410 CV do ngư dân Nguyễn Văn Hà ở xã Cà Ná (Thuận Nam) làm thuyền trưởng, Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi giấy phép khai thác thủy sản của chủ tàu; đồng thời, tuyên truyền, vận động chủ tàu chuyển đổi sang các nghề khác. Qua kiểm tra hành chính các tàu cá, nổi lên một số vi phạm chủ yếu như: thiếu các trang thiết bị an toàn tàu cá; người làm việc trên tàu cá thiếu các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên; không có sổ nhật ký hoặc không ghi đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản; không mang theo giấy đăng kiểm, chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá khi đi khai thác... Trung úy Phạm Văn Huy, Trạm kiểm soát Biên phòng Cà Ná (Đồn Biên phòng Cà Ná), cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trạm đã xử phạt vi phạm hành chính 39 trường hợp, với số tiền trên 40 triệu đồng. Đơn cử như vào ngày 6-4-2018, đơn vị đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng đối với ngư dân Dương Văn Hà ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) vì tàng trữ trái phép vật liệu nổ trên tàu cá. Ngày 9-4-2018, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, đơn vị phát hiện ngư dân Nguyễn Văn Cần ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) hành nghề mành chụp (nghề khai thác tại vùng khơi) đang đánh bắt ven bờ, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 8 triệu đồng, đồng thời, đề nghị ngư dân viết cam kết không được tái phạm. Ngày 13-4-2018, qua tuần tra, đơn vị phát hiện ngư dân Tô Tùng ở xã Cà Ná (Thuận Nam) tàng trữ công cụ kích điện trên tàu cá, đơn vị đã tiến hành tịch thu 2 thanh công cụ kích điện và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng.
Ông Nguyễn Kim Long, Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế (Chi cục Thủy sản tỉnh), Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành trên biển, cho biết: Qua tuần tra, kiểm soát quyết liệt, liên tục trên các cảng cá và trên biển đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức của ngư dân, qua đó đã hạn chế tình trạng vi phạm. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng còn hạn chế, nhất là trong việc chủ động phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 24-4-2014 của UBND tỉnh “Về việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tàu cá dưới 20 sức ngựa và các hoạt động khai thác hải sản thuộc vùng biển ven bờ tỉnh Ninh Thuận”.
Thực tế cho thấy, nếu chủ động quản lý hiệu quả từ cơ sở sẽ hạn chế tình trạng vi phạm các quy định “cấm”, giúp cho ngư dân khai thác hải sản đúng pháp luật trên biển.
Mai Dũng