Thầy giáo Đặng Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái cho biết: Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình tuyên truyền lồng ghép bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học, hơn 5 năm qua, có 27 trường TH và THCS trên địa bàn huyện lần lượt triển khai xây dựng đồng phục truyền thống cho học sinh vào ngày thứ 2 đầu tuần. Ngoài ra, các trường thường xuyên khuyến khích học sinh mặc đồng phục truyền thống vào các ngày lễ, hội trại, văn nghệ… Qua đó, tạo cho các em học sinh tinh thần ham tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời góp phần hưởng ứng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Ngoài công tác giảng dạy, hàng tháng, các trường tại huyện còn mời các nghệ nhân, những người có uy tín tại địa phương đến từng lớp học nói chuyện về lịch sử phát triển của đồng bào Raglai; ý nghĩa của trang phục, hướng dẫn học sinh cách bảo quản đồng phục trong suốt năm học cũng như đưa nhạc cụ dân tộc và hát sử thi truyền thống đến gần hơn với các em học sinh. Qua đó, tạo cho các em niềm vui khi đến trường, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc dạy và học; đồng thời, đưa nét đẹp văn hóa dân tộc Raglai vào hành trang của học trò vùng cao.
Học sinh Trường Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi mặc trang phục truyền thống.
Được sự giới thiệu của thầy giáo Hải, chúng tôi đến Trường TH Phước Thành A (xã Phước Thành), một trong những trường triển khai đồng phục truyền thống cho học sinh sớm của huyện. Hòa cùng tiếng đánh vần đồng thanh của các học sinh, không gian học đường ở đây trở nên đẹp hơn với hình ảnh các em học sinh trong những bộ đồng phục dân tộc đầy màu sắc và xinh đẹp. Tại nhà trường, các em học sinh không chỉ mặc vào mỗi thứ hai đầu tuần mà còn có nhiều em chọn mặc hằng ngày khi tới trường. Xúng xính trong chiếc váy màu rực rỡ, em Chameleá Thương, học sinh lớp 3A, chia sẻ: Đây là trang phục truyền thống của dân tộc Raglai chúng cháu, ngày nào cháu cũng mặc đến trường, vì khi ngồi học hay giờ ra chơi, cháu hoạt động rất thoải mái và dễ chịu. Cháu rất vui và tự hào khi mặc bộ trang phục của dân tộc mình. Hay với em Katơr Văn, lớp 5B, chia sẻ: Khi mặc đồng phục của dân tộc mình cháu cảm thấy rất tự hào, từ đó, cháu càng có ý thức học tập hơn nữa sau này góp sức xây dựng quê hương, cho đồng bào dân tộc mình. Không chỉ có em Thương và em Văn có chung niềm tự hào khi mặc trên mình trang phục dân tộc, mà đó cũng là niềm tự hào của đa số học sinh nơi đây.
Bên cạnh niềm vui của học trò, người dân địa phương cũng vui mừng và phấn khởi hơn hẳn khi nhìn con em mình mặc trang phục truyền thống đến lớp mà không phải đợi đến lễ hội. Già làng PurPur Hồ Thiêng, thôn Ma Nai, xã Phước Thành cho biết: Lâu nay bọn trẻ rất lười mặc trang phục truyền thống vì ngại và không đẹp bằng trang phục dưới xuôi. Nhưng từ ngày các trường học lấy trang phục của đồng bào Raglai làm đồng phục, tôi thấy các em ý thức hẳn trong việc giữ gìn trang phục của dân tộc mình. Đồng thời, những người già như tôi cũng bớt nỗi lo bị mai một dần truyền thống bao đời để lại.
Giờ đây, những màu sắc rực rỡ từ những bộ đồng phục truyền thống trong các trường học đã tạo nên nét đẹp của người con Raglai và vùng đất Bác Ái. Hy vọng rằng, sự gần gũi, gắn bó với trang phục truyền thống trong những năm tháng đến trường sẽ hun đúc cho các em thêm niềm tự hào đối với bản sắc văn hóa của cộng đồng mình, từ đó, giúp các em nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa Raglai cho thế hệ mai sau.
Lê Thi