1.Vạn thọ. Nghĩa là sống lâu. Ai mà không mong muốn ông bà, cha mẹ sống với mình trăm tuổi. Niềm mong ước thảo thơm, hiếu đễ ấy lại được gửi gắm vào một loài hoa dân dã. Vì thế mà quê tôi vào những ngày Tết nhà nào cũng chưng vài ba chậu Vạn Thọ trong nhà, vườn nhà nào cũng rực một màu vàng Vạn thọ.
Sáng sáng cứ thấy ngoại săm soi bên hàng Vạn Thọ, xách nước rửa sương để sau này có được những khóm hoa viên mãn. “Không rửa sương thì hoa hư hết!”. Ngoại hay nói vậy mỗi lần mấy đứa cháu thắc mắc. Những bông hoa nhà quê. Bây giờ mới đầu tháng Chạp, những hàng Vạn thọ chưa muốn khoe mình ra trước bàn dân thiên ha, chứ vào những ngày cuối Chạp, cái làng quê nhỏ bé của tôi nhà nào cũng vàng rực cả một góc sân, mùi Vạn Thọ cứ thoang thoảng lẫn vào trong không khí một mùi thơm thật dễ chịu. Và khi mà mùi Vạn Thọ lan tỏa khắp nơi thì ngoại tôi gọi đó là mùi của Tết.
Tháng Chạp, khi mà những con đường ở trung tâm thành phố tràn ngập sắc hoa, cái đẹp được tôn vinh ngay trên đường phố. Này là vẻ đẹp của vùng châu thổ, là cái đẹp của sông Thu, sông Trà tất cả đều kéo nhau về đây hội ngộ. Những chậu cúc vàng rực một màu vàng của nắng, những chậu hồng đủ loại thi nhau khoe sắc, những chậu hoa thược dược, mâm xôi...những nàng hoa cứ như là đem hết hồn mình ra để khoe sắc, đem lại cho người người những tín hiệu vui một mùa xuân mới đủ đầy sẽ đến. Nhìn những hàng quất trĩu nặng trái vàng mà trái nào cũng căng tròn, mọng nước, tỏa mùi hương thấm đậm phù sa miền sông nước, được khối người ưa chuộng mới thấy rằng người ta mong mỏi sự đủ đầy đến nhường nào.Và dĩ nhiên, vào những ngày cuối Chạp này không thể nào thiếu vắng những cành Mai Vàng mang hương vị của rừng, của núi. Loài hoa biểu lộ cốt cách của người quân tử. Và sẽ buồn biết bao khi mà mùa xuân phương Nam lại thiếu đi những cánh Mai vàng. Thế mà không hiểu sao, những chậu hoa Vạn Thọ cho dù có e ấp ngượng ngùng khi đứng trước những cái đẹp hào nhoáng của chị em hàng xóm thế mà vẫn toát lên một vẻ dịu dàng lôi cuốn khách ngắm hoa bằng chính cái đẹp đằm thắm đầy nét chân quê, đôn hậu; hấp dẫn khách thưởng hoa bằng chính cái mùi hương dịu nhẹ của mình.
Cái đẹp bây giờ cũng đã lên đời, được tôn vinh lắm lắm. Vì thế mà bên cạnh những chậu Vạn Thọ, những nhà khá giả quê tôi cũng mày mò tậu cho nhà mình những chậu hoa xứ lạ. Thôi thì nào là Mãn Đường hồng, nào là Thược Dược, nào là Hồng, Cúc… Thế nhưng không hiểu sao với người quê vẫn thấy rằng: khi đứng bên cạnh những “Hoa hậu hoàn vũ” cô thôn nữ nhà nghèo Vạn Thọ vẫn giành được ưu thế với cái đẹp nhà quê của mình. Thế mới biết người quê chung thủy đến nhường nào.
2. Những ngày cuối Chạp. Đầu trên, xóm dưới đâu đâu cũng thơm lừng hương cốm. Những mẻ lúa nếp đã được phơi già nắng giờ được rang lên, nổ bung cả vỏ, phơi ra những hạt nếp trắng ngần bung xòe như những cánh bướm, dậy lên một mùi hương ngào ngạt, khiến cho lũ trẻ con khó lòng mà ngủ được khi nhà mình chưa đem được những mẻ cốm trắng bung xòe về nhà.
Những ngày cuối Chạp, khi những cánh đồng đã qua vụ gặt, những nhà nông một nắng hai sương đã cười tươi trước những bồ lúa đủ đầy, lũ trẻ nhà quê chúng tôi bắt tay vào việc đốt đồng. Những gốc rạ ngày nào sau những cơn nắng già tháng Chạp đã khô cong lại, trải đống rơm vàng khắp mặt ruộng rồi châm lửa. Những đám khói bốc lên thơm như mùi thơm gạo mới. Những ngọn khói đốt đồng tháng Chạp cứ tỏa lan những mùi thơm khó tả, cái mùi mà ngoại tôi gọi là “Mùi Tết”.
Tháng Chạp, cái nắng cuối năm không hề khó chịu chút nào, nhất là khi lẫn vào trong nắng là những cơn gió bấc rao rao thổi, khiến cho đất trời buổi sớm mai có cái gì đó mà ngoại tôi thường gọi mùi của Tết. Và mỗi khi ngoại tôi nói như thế có nghĩa là Tết đã cận kề lắm rồi.
Tháng Chạp thơm thơm mùi lúa chín, dậy hương mùi cốm quê nghèo. Tháng Chạp với cái lạnh se se bởi những cơn bấc cuối mùa. Tháng chạp cô thôn nữ vẫn quang gánh bươn chải hôm nào bỗng dưng đẹp hơn bởi đôi má ửng một màu hồng vì cái lạnh cuối năm, khiến cho nhiều chàng trai trở nên lúng túng bởi nụ cười tươi như đóa hoa Vạn thọ. Và người trong làng bỗng như vui hơn bởi những sắc màu của những chiếc áo lạnh mỏng tanh được các cô thôn nữ sắm sanh cho mình trước đó cả tháng trời.
Tháng Chạp, mọi người như thơm thảo với nhau hơn bởi những món quà quê. Này là chai rượu nho dành uống Tết. Này là vài ký nổ gửi nhau để ngày cuối năm trên bàn thờ ông bà có thêm vài viên cốm ngọt ngào hương nếp mới. Nào là mấy nhánh chuối mới chặt trong vườn nhà biếu nhau chút thảo thơm của người nhà quê thời mở cửa. Và đủ thứ ân tình mà người quê tôi sẵn sàng trao cho nhau vào những ngày tháng chạp, cái tháng chuẩn bị cho một mùa mới đầy thảo thơm với niềm tin tưởng sẽ là một mùa mới ấm no, đủ đầy nếu như mình chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với ai đó vào cái tháng cuối năm.
Tháng Chạp, khi mà trời đất cũng dậy lên mùi hương nồng nàn của nắng khi mặt trời đã gác con sào, xua tan đi cái lạnh se se mà cả năm mới về đến được ngõ quê vào những ngày tháng Chạp, cái mùi nắng chỉ nghe được, cảm nhận được tùy theo cách cảm của mỗi người chứ thực ra khó mà tả được, và khi đó ngoại tôi gọi đó là mùi của Tết. Và lũ trẻ con nhà quê chúng tôi lại rộn ràng chuẩn bị cho những ngày vui sắp đến. Ôi! cái mùi Tết mới thật ngọt ngào làm sao.
Hoàng Công Tâm