Sự nhận thức và tính cách của một người thể hiện qua sự giao tiếp và qua đó, chúng ta có thể thấy được cái tôi của họ bộc lộ như thế nào. Cái tôi không xấu, cái tôi luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, chúng ta phải biết cách hướng dẫn, điều chỉnh để cái tôi không đi chệch hướng. Mỗi người chúng ta ai cũng có thể tạo cho mình một giá trị riêng bằng những việc làm tuy đơn giản nhưng thiết thực. Đó là sự quan tâm với những người xung quanh, sống chân thành, vui vẻ và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Sự chân thành cộng với việc đánh giá đúng mức khả năng và những giá trị thực của chính mình sẽ giúp chúng ta mạnh dạn, cởi mở hơn. Mỗi lời chúng ta nói phải là những lời chân thật, xuất phát từ đáy lòng, không phải là những câu sáo rỗng. Lời nói và hành động của mình làm cho người nghe cảm nhận được tình cảm thật sự, không chút giả dối. Chính điều đó mới làm cho cái tôi của mình đẹp hơn, bản thân sẽ cảm thấy thoải mái, tự tin và mọi người cảm phục hơn. Không chỉ tìm thấy những giá trị sẵn có, chúng ta còn có khả năng phát triển thêm những giá trị mới. Khi nhìn thấy được giá trị của chính mình, bản thân sẽ không còn mặc cảm, không bị tổn thương bởi lời nói và thái độ của người khác. Mang trong lòng sự tự ti, người ta thường không hài lòng với chính mình và không thể vui vẻ, cởi mở được với ai. Cái tôi tiêu cực là nguyên nhân gây nên nhiều căng thẳng, mệt mỏi, nảy sinh mâu thuẫn và làm xáo trộn trật tự cuộc sống của mọi người. Người có cái tôi quá lớn, là người luôn xem nhẹ suy nghĩ, lời nói của người khác, không phân biệt được tốt xấu, đúng sai. Dễ làm cho người khác bất mãn, dẫn đến bất hợp tác trong công việc, không còn sự tin tưởng lẫn nhau khi làm việc. Chúng ta có thể gạt bỏ cái tôi bằng cách kiềm chế, kiểm soát mọi suy nghĩ và hành động của mình. Dẹp bỏ cái tôi chúng ta mới có thể sống hòa hợp, biết lắng nghe và chấp nhận người khác. Khi đó, bạn sẽ vượt lên những khó khăn trong công việc và đạt được nhiều lợi ích mong muốn. Mỗi người đều có một vị trí, vị trí nào cũng cần thiết và có giá trị riêng. Chúng ta không thể coi trọng giá trị của bản thân mà xem nhẹ giá trị của người khác.
Bạn hãy là người tỉnh táo, khôn ngoan để có thể vượt ra khỏi cái tôi tiêu cực. Không để cái tôi của cá nhân làm mất đi hình ảnh của chính mình, giảm đi lòng tin, sự tôn trọng của mọi người đối với bản thân. Biết sử dụng, điều chỉnh “cái tôi” một cách hợp lý và dừng lại khi cần thiết, điều đó có ích cho giá trị và nhân phẩm của mỗi người.
Minh Uyên