Bà đã từng chứng kiến hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình và khi Người đến khai mạc “Triển lãm Văn hóa bí mật và công khai” ở trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc. Lúc bấy giờ, hằng ngày khi ở Hà Nội, khi ở xứ Thanh, bà được nghe kể rất nhiều mẩu chuyện về Cụ Hồ đã từng bôn ba nước ngoài, chịu nhiều gian nan để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Đồng bào đâu đâu cũng vô cùng kính mến và tin tưởng Người.
Nhìn Người, do làm việc nhiều, lo nghĩ nhiều, lại mới ở chiến khu về, nên vóc dáng gầy và xanh xao. Khi chạy chợ ở Thanh Hóa, thấy những thúng cam vàng tươi đầy chợ, trong đó có thứ cam làng Giòng, quả nhỏ bằng miệng chén trà, vỏ mỏng, ngọt, bà nảy ra ý định mua loại cam quý này đem về biếu Người. Lại là nhà thơ, bà cũng biết Người thường làm thơ, thích thơ ca nên nảy ra ý nghĩ sẽ làm mấy câu thơ bỏ trong phong bì kèm theo gói cam đem đến Bắc Bộ phủ gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ đề ngày 2-1-1946 như sau:
Cam ngon Thanh Hóa vốn Giòng
Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu
Đắng cay Cụ nếm đã nhiều
Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây
Cùng quốc dân hưởng những ngày
Tự do, hạnh phúc tràn đầy trời Nam
Anh hùng mở mặt giang san
Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi.
(Hằng Phương kính bút)
Mấy ngày sau, tối ngày 8-1, người anh báo tin cho Nhà thơ Hằng Phương biết là Cụ Hồ có bài thơ: “Cảm ơn người tặng cam” đăng ở báo. Hóa ra tờ báo Tiếng gọi phụ nữ, Cơ quan tuyên truyền của Phụ nữ cứu quốc, số 11 ra ngày 8-1-1946, thấy một mục có những dòng như sau: “Thơ của Hồ Chủ tịch trả lời Bà Hằng Phương: Bà Hằng Phương gửi biếu tôi một gói cam, kèm theo một bài thơ. Vì không biết chỗ Bà ở, tôi không biết gửi thơ cảm ơn đến đâu. Nên tôi nhờ báo Tiếng gọi Phụ nữ đăng mấy lời cảm tạ của tôi như sau:
Cảm ơn bà biếu gói cam,
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.
Tháng 1 năm 1946
Hồ Chí Minh”.
Nhà thơ Hằng Phương cầm tờ báo đọc, xúc động, nước mắt trào ra. (Cũng cần lưu ý chi tiết thú vị: bài thơ của Nhà thơ Hằng Phương có câu chữ: Đắng cay Cụ nếm đã nhiều, Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây. Khi Cụ Hồ làm thơ gửi lại cũng có câu chữ ý nhị: Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai. Khổ là đắng, cam là ngọt trong câu thành ngữ: Khổ tận cam lai. Đây lại là tặng cam có vị ngọt).
Từ việc tặng cam, tặng thơ, Nhà thơ Hằng Phương được gặp Bác Hồ tại Bắc Bộ phủ. Sau này bà tham gia Hội Nhà văn Việt Nam, tiếp tục làm thơ, viết báo cho đến cuối đời.
Nói thêm: Nhà thơ nữ nổi tiếng Hằng Phương (1908 – 1983) sinh ra trên đất dâu tằm Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, con gái nhà nghiên cứu Hán – Nôm Lê Dư, vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan và là mẹ của Giáo sư – Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Họa sĩ Vũ Giáng Hương, Kiến Trúc sư Vũ Ngọc Phương... Bà là một trong những nhà thơ nữ đầu tiên của văn học hiện đại Việt Nam cùng với Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Tuyết… sáng tác thơ đăng báo từ những năm 20 thế kỷ XX, đã xuất bản nhiều tác phẩm như: Hương xuân (1943), Một mùa hoa (1960), Chim én bay xa (1962), Mùa gặt (1961), Hương đất nước (1974).
Đình Hy