Nhiều chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

(NTO) Với mục tiêu tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, tỉnh ta triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản, quyết định, chỉ thị chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP.

Đặc biệt, trong năm 2016, tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành gồm: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát môi trường và các ngành liên quan… chủ động tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất theo sự phân công. Qua thống kê, toàn tỉnh có 35.251 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong năm, toàn tỉnh thành lập được 245 lượt đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, đã thanh, kiểm tra 6.702 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm. Qua thanh, kiểm tra có 82,5% cơ sở đạt tiêu chuẩn điều kiện vệ sinh ATTP; 17,5% cơ sở vi phạm ATTP, trong đó có 91 cơ sở vi phạm bị xử phạt gần 700 triệu đồng. Công tác chứng nhận đủ điều kiện ATTP, quản lý công bố tiêu chuẩn sản phẩm và quảng cáo sản phẩm thực phẩm được các ngành tổ chức thực hiện theo đúng quy định. Đến nay, đã cấp 1.522 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 228 giấy công bố sản phẩm (trong đó có 123 giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy cấp cho các sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 165 giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy cấp cho các sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia).

Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm từ các siêu thị. Ảnh: Sơn Ngọc

Với nhiều biện pháp đã nêu, nhận thức về ATTP trong cộng đồng xã hội có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng hiểu biết đúng về ATTP ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, trong năm 2016, tỉnh ta tổ chức nhiều sự kiện chính trị, hội nghị, lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh đều được kiểm tra giám sát, bảo đảm ATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cho các đại biểu, du khách cũng như cộng đồng.

Năm 2017, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Thường xuyên chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP, vận động toàn dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật, khoa học về ATTP để góp phần không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; đưa các tiêu chí về ATTP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật An toàn thực phẩm, tạo sự chuyển biến thực sự về trách nhiệm, hành vi ATTP đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP, đầu tư về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các đơn vị thực hiện công tác đảm bảo ATTP từ tuyến tỉnh đến xã. Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng ATTP, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm chất lượng ATTP....