Có bạn rủ tôi ôn thi vào Trường Đại học Y Tây Nguyên nhưng tôi đã từ chối, vì lúc đó tôi đã xác định thi vào Trường Trung học Sư phạm Ninh Thuận (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận) và đó cũng là nguyện vọng của tôi. Lúc đó, một số bạn bè cùng khóa thường nói với tôi “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm, với sức học như bạn thi vào trường đó thì phí” nhưng điều đó không làm cho tôi nản lòng. Tôi nghĩ: Nghề nào cũng là nghề, chỉ cần mình yêu thích công việc đó là được.
Rồi mơ ước cũng đã thành hiện thực. Vào tháng 8-1991, khi có giấy báo trúng tuyển vào trường, tôi rất sung sướng và muốn hét lên thật to. Hôm nhận lớp, tôi dậy thật sớm với tâm trạng vừa mừng vừa lo, một mình đạp xe đến trường dọc theo bờ biển Ninh Chử với bao suy nghĩ hiện lên trong tâm trí tôi. Nào là trường mới sẽ như thế nào? Cả bạn bè và thầy cô nữa. Rồi ngôi trường mới cũng hiện ra trước mắt tôi. Một ngôi trường rộng lớn với hai hàng phi lao rì rào gió thổi. Ở đấy có rất nhiều thầy, cô giáo và các bạn mới, tôi vừa bỡ ngỡ, vừa rụt rè hỏi thăm một số bạn cùng trúng tuyển như tôi. Các bạn ở rất nhiều nơi, kể cả những vùng rất xa như: Đức Linh, Tánh Linh, Phan Thiết… và rồi chúng tôi cũng được đọc tên vào nhận lớp, tôi được xếp vào học lớp 12B1.
Trong quá trình hai năm học tập tại trường, tôi đã được rèn luyện rất nhiều kỹ năng. Khác với cấp trung học, trường Sư phạm là cái nôi đào tạo rất nghiêm khắc. Ngoài việc học chính khóa buổi sáng, vào buổi chiều chúng tôi phải tự học, rèn luyện kỹ năng đứng lớp, rèn chữ viết bảng… Đặc biệt, trường đã rèn luyện cho chúng tôi kiến thức công tác đội, tập huấn quân sự với kỹ luật khắt khe. Đó là một thử thách để rèn luyện lòng kiên trì, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho chúng tôi sau này. Qua hai năm dưới sự dìu dắt tận tình của đội ngũ các thầy, cô giáo ở trường và đặc biệt là thầy giáo chủ nhiệm lớp, chúng tôi đã trưởng thành rất nhiều.
Thời gian trôi đi thật nhanh, thấm thoát hai năm đã trôi qua với bao kỷ niệm vui buồn thời sinh viên. Mới ngày nào tôi còn là một cô bé nhút nhát thế mà nay đã hoàn thành khoá học và trở thành cô bé tự tin hơn rất nhiều. Buổi lễ trao bằng tốt nghiệp diễn ra thật long trọng, niềm vui xen lẫn nỗi buồn vì sắp phải chia tay bạn bè mỗi đứa mỗi nơi. Với bao mơ mộng và dấu hỏi đặt ra của một giáo viên mới ra trường. Không biết đơn vị công tác của mình ở đâu nhỉ? Học trò chắc là dễ thương lắm đây…? Thật may mắn khi ra trường tôi được bố trí công tác ngay. Đó là Trường Tiểu học Mỹ Hải 2, thuộc Thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, được phân công dạy và chủ nhiệm lớp 3 ở cơ sở phụ của trường. Ngày đầu đến nhận lớp thật bất ngờ so với những suy nghĩ của tôi: Đường đi rất xa (tận dưới biển Đông Hải), ngôi trường chỉ có 2 phòng học rất cũ kỹ, không có hàng rào bao quanh, các em học sinh ở đây gia đình rất khó khăn, đa số học yếu, gia đình ít quan tâm, thậm chí các em còn hay nói tục, chửi thề…
Là một giáo viên trẻ mới ra trường đây chính là thử thách mà tôi phải vượt qua. Có những lúc tôi cảm thấy chán nản nhưng lương tâm của người giáo viên đã thôi thúc tôi phải suy nghĩ và tìm cách để vượt qua. Từ đó, tôi nỗ lực, phấn đấu không ngừng, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm của mình. Bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, bằng vốn kiến thức đã học, dần dần tôi đã cảm hoá và đưa các em vào nền nếp. Càng gần gũi các em, tôi mới nhận ra một điều: Trẻ em trong sáng như một tờ giấy trắng nếu chúng ta vẽ những điều tốt đẹp lên trang giấy ấy thì nó sẽ in đậm trong tâm trí các em và sẽ theo các em suốt cuộc đời.
Có được thành công này phải kể đến công lao to lớn của thầy Hiệu trưởng nhà trường. Thầy là người truyền nhiệt huyết cho chúng tôi, dìu dắt chúng tôi, thầy rất chịu khó tìm tòi những phương pháp dạy học mới, hay để cho tôi thực nghiệm trên thực tế học sinh tại lớp mình. Điều đó càng làm cho tôi say mê hơn với nghề dạy học mà tôi đã chọn. Mỗi năm nhìn lớp lớp học sinh trưởng thành, tôi lại càng nhớ đến công lao to lớn của các thầy, cô giáo đã đào tạo tôi trưởng thành như hôm nay. Tôi rất tự hào với bạn bè rằng “Con đường tôi đã chọn là đúng đắn!”.
Qua bài viết này, tôi có vài lời tâm sự đến các bạn đồng nghiệp. Các bạn ơi, “Nghề dạy học là một nghề cao quý trong những nghề cao quý”. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần chúng ta có lòng nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ thì sẽ vượt qua được tất cả những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống, mãi xứng đáng với ý nghĩa của nghề cao quý đó. Tôi tin rằng các bạn sẽ làm được.
Nguyễn Thị Thơm