U máu là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy không phải là một bệnh ác tính nhưng lại gây mất thẩm mỹ làm trẻ mất tự tin và các bậc cha mẹ rất lo lắng... Bệnh có thể gây các biến chứng: hoại tử mô, lép nửa mặt, thoái hóa khớp gối, ngắn chi, lệch vẹo cột sống…
Diễn tiến của u máu
U máu trẻ em là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh, chiếm tỷ lệ khoảng 10% - 12%, do sự tăng sinh quá mức của tế bào nội mạch. Bệnh thường xuất hiện sau khi sinh và phát triển qua ba giai đoạn: giai đoạn tiến triển từ khi sinh đến 8 - 12 tháng tuổi; giai đoạn ổn định từ 1 - 1,5 năm; giai đoạn thoái triển khi đứa trẻ được 8 - 10 tuổi. Bệnh gặp ở trẻ gái nhiều gấp đôi so với trẻ trai, không có tính di truyền.
U máu ở mi mắt gây ảnh hưởng chức năng thị giác.
Bệnh u máu ở trẻ em có ba dạng: u máu trong da, u máu dưới da và hỗn hợp. U máu trong da biểu hiện là một đám màu đỏ tươi, nổi hờ trên da bình thường, ranh giới u không rõ ràng. U máu dưới da là một vùng nổi gờ có màu sắc đỏ nhạt, nằm phía dưới của vùng da bình thường hay da xanh nhợt. U máu thể hỗn hợp trong da và dưới da là loại u hay gặp nhất, chiếm tỷ lệ 75% các loại u máu, biểu hiện là một vùng đỏ nổi gờ trên một vùng da lành, sau đó vùng dưới da dần phát triển rộng xung quanh vùng u máu trong da. Thể u máu hỗn hợp thường chỉ xuất hiện ở một vài vùng tổn thương, hay gặp ở đầu, mặt, cổ.
Tuy nhiên hình thái lâm sàng của u máu rất thay đổi: có thể là một đám giãn mạch màu xanh xám, là sẩn đỏ hay dát màu xanh. Dấu hiệu ban đầu dễ lẫn với các u sắc tố, thường bị bỏ qua trong tuần lễ đầu tiên. Sau đó u máu diễn biến nhanh chóng và biểu hiện rõ. Thể u máu trong da, phát triển kéo dài từ 3 - 6 tháng; thể u máu dưới da, phát triển dài hơn từ 8 - 10 tháng.
Trong giai đoạn phát triển, u máu tăng cả về thể tích và diện tích trên da. Khối u trở nên đỏ và lớn dần theo thời gian, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Trường hợp u máu nằm ở các vị trí như mi mắt, môi, mũi thì ngoài vấn đề thẩm mỹ còn gây rối loạn về chức năng của trẻ. Vì vậy, nếu không điều trị đúng, các rối loạn do u máu gây ra có thể dẫn tới những rối loạn về chức năng khó phục hồi. Thông thường, từ tháng thứ 8 trở đi, u máu sẽ không thay đổi về thể tích và màu sắc, mà ổn định như vậy cho tới khi trẻ được 18 - 20 tháng.
Giai đoạn ổn định này hầu như không ảnh hưởng dưới tác dụng của điều trị nội khoa. Đến giai đoạn thoái triển, u máu nhỏ dần, màu sắc nhạt dần. Kích thước của u máu càng nhỏ khi trẻ càng lớn, đến khi trẻ được 6 - 8 tuổi, ảnh hưởng của u máu chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà không có những rối loạn chức năng nào đáng kể.
Biến chứng u máu ở trẻ em
Quá trình phát triển của u máu từ khi xuất hiện ở trẻ sơ sinh cho đến lúc trẻ được 8 - 10 tuổi, các biến chứng có thể xảy ra có thể do chính u máu hoặc do điều trị.
Biến chứng do chính u máu: loét và hoại tử vùng trung tâm khối u, bội nhiễm thứ phát sau khi có hoại tử khối u. Chảy máu là một biến chứng rất thường gặp khi u máu phát triển nhanh về thể tích. Các u máu nằm ở mi mắt, mũi, tai, miệng, hậu môn... thường gây ra những rối loạn nặng về chức năng cho đứa trẻ. Chẳng hạn u máu ở mi mắt có thể dẫn đến nhược thị, lác hay rối loạn thị giác.
Biến chứng do điều trị: hoại tử vùng da trung tâm của u máu do sử dụng các phương pháp: xạ trị, áp lạnh hay tiêm xơ. Loét bề mặt u máu dễ bị bội nhiễm toàn bộ u máu thường xảy ra sau khi hoại tử u máu. Viêm hoại tử tái phát ở vùng chiếu xạ. Rối loạn về sự phát triển của các vùng mô phía dưới u máu được chiếu xạ thường gặp là thiểu dưỡng da và tổ chức dưới da, thiểu dưỡng xương hàm, lép nửa mặt, thoái hóa khớp gối, ngắn chi, lệch vẹo cột sống...
U máu chi dưới.
Vấn đề điều trị
Khi đã xác định là u máu trẻ em, phương pháp điều trị nội khoa là thích hợp nhất. Liệu pháp corticoid có hiệu quả với tất cả các thể u máu trẻ em. Trường hợp u máu ít đáp ứng với thuốc uống corticoid, có thể kết hợp tiêm corticoid trực tiếp vào u máu hoặc dùng creme chứa corticoid bôi ngoài da. Không những các phương pháp điều trị như xạ trị, tiêm xơ, áp lạnh... hầu như không có kết quả trong các giai đoạn của u máu mà còn để lại những di chứng nặng nề về thẩm mỹ và nhiều rối loạn chức năng nghiêm trọng.
Các u máu nằm ở những vùng mi mắt, mũi... gây ra các rối loạn chức năng cần phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật tạo hình nhằm cắt bỏ khối u máu và phục hồi lại chức năng của các cơ quan bị ảnh hưởng. Cần lưu ý u máu trẻ em có thể tự khỏi khi trẻ lớn, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, vì vậy có thể phẫu thuật tạo hình để giải quyết các di chứng về thẩm mỹ khi đứa trẻ đã lớn.
Nguồn: Suckhoe&doisong