Dấu hiệu dễ nhận thấy trẻ em bị viêm phổi là có ho và thở nhanh, vì khi phổi bị viêm, sự trao đổi ôxy ở phổi trở nên khó khăn hơn nên cơ thể rất dễ thiếu ôxy. Trẻ phản ứng lại tình trạng này bằng cách tăng nhịp thở lên để bù đắp lại tình trạng thiếu ôxy.
Cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể dễ dàng quan sát nhịp thở của trẻ bằng cách vén áo để quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng. Phải quan sát lúc trẻ nằm yên hoặc ngủ, không được quan sát lúc trẻ đang quấy khóc. Nếu trẻ có thở nhanh thì thấy sự di động đó nhanh hơn những ngày trẻ bình thường. Tại nhà, không có dụng cụ y tế, có thể lấy đồng hồ với kim giây, ta có thể để đồng hồ gần bụng hoặc ngực của trẻ và đếm nhịp thở trong vòng 1 phút. Một trẻ có tình trạng thở nhanh là dấu hiệu sớm của trẻ bị viêm phổi cụ thể như sau: Đối với trẻ từ 1-5 tuổi, nếu thở từ 40 lần trong 1 phút trở lên; Đối với trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi, nếu thở từ 50 lần trong 1 phút trở lên; Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu thở từ 60 lần trong 1 phút trở lên.
Nếu không thể đếm được nhịp thở của trẻ hoặc không thể phân biệt được trẻ có thở nhanh hơn ngày thường hay không, bà mẹ có thể vén áo trẻ lên và quan sát lồng ngực. Nếu thấy trẻ thở khác thường hoặc khi thở phát ra một tiếng bất thường nào đó, cũng có thể trẻ đã bị viêm phổi.
Dấu hiệu thứ 2 là co rút lồng ngực: Vén áo trẻ lên và nhìn vào phần ranh giới giữa ngực và bụng xem có dấu hiệu lõm vào khi trẻ hít vào hay không? Ðể quan sát dấu hiệu này dễ dàng và chính xác, hãy bế trẻ nằm ngang trên lòng mẹ hoặc đặt trẻ nằm ngang trên giường. Hiện tượng này phải thấy thường xuyên ở bất kỳ nhịp thở nào của trẻ khi trẻ nằm yên hoặc ngủ mới có giá trị, còn nếu chỉ thấy lúc trẻ quấy khóc hoặc khi cố gắng hít sâu thì không được coi là co rút lồng ngực. Một trẻ có co rút lồng ngực chứng tỏ đã bị viêm phổi nặng, cần được đưa đến bệnh viện điều trị ngay.
Viêm phổi là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, bệnh diễn biến nặng rất nhanh và dễ gây tử vong, nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Vì vậy, khi nghi ngờ một trẻ bị viêm phổi, cần đưa trẻ đến khám tại các trạm y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn điều trị cụ thể. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc.
Nguồn: Suckhoe&doisong