Những yếu tố gây tăng đường huyết

Kiểm soát đường huyết rất quan trọng bởi trước tiên, người bệnh cảm thấy khỏe khoắn hơn khi đường huyết nằm trong phạm vi an toàn.

 Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) “Kiểm soát đường huyết rất quan trọng bởi trước tiên, người bệnh cảm thấy khỏe khoắn hơn khi đường huyết nằm trong phạm vi an toàn, và về lâu dài, có thể phòng tránh được sự xuất hiện các biến chứng của bệnh đái tháo đường như tổn thương thần kinh, suy thận, các bệnh về da, tổn thương mắt, huyết áp cao, đột quỵ, và hơn thế nữa”.

Và đây là 11 nguyên nhân làm tăng đường huyết, gây khó khăn cho việc kiểm soát đường huyết của người bệnh ngay cả khi họ đã tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị cho căn bệnh mạn tính này.

Chất ngọt nhân tạo

Một nghiên cứu trên tạp chí Nature năm 2014 công bố rằng, việc tiêu thụ các chất ngọt nhân tạo không chứa calo, như loại tìm thấy trong soda ăn kiêng và các chất ngọt được thêm vào cà phê và trà, thực sự dẫn tới việc dung nạp glucose và tăng nồng độ đường trong máu, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

“Soda ăn kiêng có thể tốt hơn soda thường”, tiến sĩ Dodell nói. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, sự điều độ là rất quan trọng, và ông đề nghị việc bỏ soda – cả loại thường và loại ăn kiêng – ra khỏi danh mục các đồ uống lành mạnh.

Thực phẩm giàu chất béo

Khi nói tới bệnh tiểu đường tuýp 2, carbonhydrates là nguồn năng lượng từ thức ăn được quan tâm nhiều nhất. Nhưng carbonhydrates không chỉ là loại thực phẩm duy nhất mà người bệnh cần theo dõi chặt chẽ. Mặc dù các thực phẩm giàu chất béo không trực tiếp làm tăng lượng đường trong máu, nhưng chúng có thể gây kháng insulin, và – bởi vì cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa – chúng sẽ làm cho mức đường huyết biến động tăng lên trong nhiều giờ.

“Đôi khi xuất hiện một đồ ăn mà bạn sẽ không bao giờ biết được rằng chúng lại có khả năng ảnh hưởng tới lượng đường huyết của bạn”, Grieger nói. Đó là lý do tại sao, chú ý tới cách thức mỗi loại thức ăn ảnh hưởng tới bạn như thế nào là rất quan trọng.

Bỏ ăn sáng

Bữa sáng được ghi nhận là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày – và điều này đặc biệt đúng đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetes Care.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tel Aviv đã theo dõi lượng thức ăn của 22 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và lượng đường trong máu tương ứng của họ trong 2 ngày. Điều khác biệt duy nhất về lượng thức ăn trong hai ngày đó là những người tham gia đã ăn bữa sáng một hôm và bỏ qua bữa sáng vào ngày hôm sau. Nghiên cứu chỉ ra lượng đường trong máu biến động tăng vào ngày các bệnh nhân bỏ bữa sáng. Các nhà nghiên cứu tin rằng, chức năng của các tế bào beta tuyến tụy, nơi sản sinh insulin, đã bị ảnh hưởng theo cách tiêu cực khi bỏ bữa sáng. “Nhưng hãy nhớ rằng”, Grieger nói, “ăn sáng thôi chưa đủ. Những gì bạn ăn vào bữa sáng mới là quan trọng”. Bà đề nghị một bữa ăn sáng với đầy đủ dưỡng chất và ít carbonhydrit, chẳng hạn như trứng với rau chân vịt, nấm, và cà chua.

Ăn quá nhiều vào bữa tối

Kết quả của một nghiên cứu được công bố năm 2014 trên tạp chí Diabetotogia đã vẽ lên một bức tranh về tác động của bữa ăn tối. Những người tham gia ăn một bữa sáng lớn vào buổi sáng (700 calo) và một bữa tối nhẹ vào buổi tối (200 calo) đã kiểm soát mức đường trong máu tốt hơn những người ăn một bữa sáng nhẹ (200 calo) và bữa tối lớn (700 calo). (Cả hai nhóm này đều tiêu thụ 600 calo vào bữa trưa).

Đáng chú ý là lượng đường trong máu cũng có xu hướng tăng vào buổi sáng sớm, vào khoảng 4h tới 5h sáng. Nhưng những người đái tháo đường tuýp 2 có thể kiểm soát tốt hơn được “hiện tượng bình minh”này, theo ADA, bằng việc ăn bữa tối sớm hơn vào buổi tối.

Lười vận động thể chất

Các bài tập thể dục rất quan trọng trong việc kiểm soát tiểu đường tuýp 2. Ngoài việc giúp bạn duy trì một cân nặng có lợi cho sức khỏe hay giảm cân, cũng như làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim, các hoạt động thể chất làm tăng độ nhạy cảm insulin của cơ thể và giúp các tế bào loại bỏ đường ra khỏi máu và chuyển hóa nó thành năng lượng. Theo ADA, một hoạt động thể chất tốt có thể làm giảm mức đường huyết của bạn trong 24 giờ hoặc hơn thế nữa.

Stress

“Stress chắc chắn làm tăng lượng đường trong máu”, Dodell nói. “Nó làm tăng cortisol, một loại hooc môn đối kháng. Khi cortisol tăng lên, nó làm chúng ta kém nhạy cảm với insulin của cơ thể hoặc insulin tiêm”. Stress có thể về thể chất – như bị chấn thương – hay tinh thần, như bị khủng hoảng tài chính hoặc trục trặc trong hôn nhân. Thậm chí, những thay đổi tích cực tới thói quen hàng ngày – như thăng chức nơi làm việc hay đi nghỉ mát – cũng có thể gây ra sự tăng đột biến đường huyết, Dodell giải thích.

Cách tốt nhất để giảm stress và kiểm soát trở lại các hooc môn? “Đi bộ 5 phút hoặc hít thở sâu rồi thở ra từ từ 10 lần”, chuyên gia nói. “Và có một số thói quen thông thường bạn nên duy trì và phát triển, như việc thực hiện bài tập thể dục hàng ngày hoặc thiền định thường xuyên”.

Ốm đau

Khi bị ốm hay bị viêm nhiễm, cơ thể của bạn sẽ giải phóng các hooc môn để chống lại bệnh tật. Điều đó tốt thôi, nhưng có một nhược điểm đối với người bệnh tiểu đường tuýp 2 – mức đường huyết có thể tăng cao. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, theo ADA, có thể dẫn tới hôn mê sâu đe dọa tới tính mạng.

ADA đề nghị bạn nên tham vấn bác sĩ về số lần kiểm tra đường huyết cần thiết, loại thuốc cần dùng, kiểm tra mức ketone trong nước tiểu, và nếu có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào, cần phải gọi cho bác sỹ ngay lập tức.

Các loại thuốc khác

Đau ốm bản thân nó có thể gây tăng đường huyết, nhưng những thuốc trị bệnh cũng vậy. Một số các thuốc được bán theo yêu cầu hay thuốc kê theo đơn – thậm chí một số loại vitamin và thuốc bổ - đã được chứng minh cũng làm tăng đường huyết. Ví dụ như, corticosteroid, các thuốc chữa bệnh hen suyễn, thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, và một số thuốc đặc trị mụn trứng cá.

Do đó, thông báo cho bác sỹ biết mọi loại thuốc bạn đang sử dụng là rất quan trọng, bất kể đó là thuốc theo yêu cầu hay thuốc được kê đơn bởi các bác sỹ chuyên khoa khác.

Thiếu ngủ

Có nhiều các cuộc điều tra về mối liên quan giữa giấc ngủ và các vấn đề sức khỏe. Theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Mỹ (NSF), ngủ không đủ có thể dẫn tới lượng đường trong máu tăng đột biến. NSF cho hay, các kết nối có thể liên quan tới sự suy giảm hooc môn cortisol và hoạt động của hệ thần kinh trong giấc ngủ sâu – và với những thay đổi khác của cơ thể trong khi ngủ, được cho là giúp điều hòa lượng đường trong máu. Vậy nên, sau những đêm mất ngủ, bạn phải thật sự chú ý tới mức đường huyết của bản thân mình, Dodell khuyến cáo.

Chăm sóc răng miệng kém

Bệnh nướu răng từ lâu đã được công nhận là biến chứng của tiểu đường tuýp 2. Và, ngược lại, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng, nướu không khỏe mạnh có thể làm tăng lượng đường trong máu. Theo Hiệp hội Nha sỹ Mỹ, các vi trùng từ các nướu răng bị viêm có thể bị nhiễm vào máu. Cơ thể sau đó sản xuất các phân tử gây hại theo một số cách, một trong số đó là làm tăng đường huyết.

Đánh răng 2 lần một ngày và thăm khám nha sỹ thường xuyên để kiểm tra nướu răng là lời khuyên của Hiệp hội Nha sỹ Mỹ với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Nguồn: Suckhoe&doisong