Đang ăn cơm vui vẻ, chợt nghe mẹ thông báo vậy thì Phương Anh liền nhăn mặt rồi cố ăn thật nhanh cho xong bữa để vào phòng ngồi một mình. Nó không thích bà nội vì bà quê mùa, lại còn thường hay “nhắc nhở” Phương Anh đủ chuyện. Nào là: “con gái thì phải đi đứng thế này/ ăn nói thế nọ”, rồi lúc nào cũng lôi ca dao, tục ngữ ra để minh chứng. Những món quà bà mang lên, từ nắm lá hương nhu, bồ kết gội đầu, mấy quả bưởi, khế ngọt… đến mấy con gà trống bẩn thỉu đều làm Phương Anh thấy khó chịu. Cũng chả bao giờ nó chịu để tâm đến những lời bà nói, cùng lắm là chỉ lơ đãng gật gật đầu rồi lại lấy cớ bận học bài để thoát khỏi sự vuốt ve, hỏi han của bà. Thỉnh thoảng, nó còn lén vứt những thứ bà mang lên vào thùng rác rồi làm ra vẻ vô tội không biết gì. Vậy nhưng, có lẽ vì không biết, nên bà nội vẫn luôn tỏ ra yêu quý nó, lần nào gặp cũng đều nhìn nó trìu mến và vẫn “tay xách, nách mang” đủ thứ quà vặt…
Cuối cùng thì ngày chủ nhật không mong đợi cũng đến. Lần này, đi cùng bà còn có bé Quỳnh- cô em họ thua Phương Anh 2 tuổi. Quỳnh là con gái cô Út nhưng về sống với bà từ khi còn rất nhỏ. Phương Anh cố tình tỏ vẻ hờ hững, lạnh nhạt với bà và bé Quỳnh ngay từ câu chào đầu tiên nhưng bà lại chẳng hề để ý đến mà còn xoa đầu nó cười hiền lành. Buổi chiều, bố mẹ đưa bà nội đi chơi, chỉ còn mỗi nó và bé Quỳnh ở nhà với lời dặn của mẹ là: phải chuẩn bị bữa tối. Nó mang bộ mặt nặng nề vào bếp, cho gạo vào nồi rồi cứ thế vò:
- Chị làm gì thế? Chị vo gạo mạnh tay thế này cám gạo trôi hết…
- Thế không trôi thì để ăn cám à? Vò mạnh tay, gạo sạch, cơm mới trắng, nghe chưa?
Giọng nói gắt gỏng không giấu vẻ bực tức của nó đã làm Quỳnh sợ hãi im re.
Đến lúc nấu canh, Phương Anh càng bực mình vì mẹ không mua cua xay sẵn ở chợ. Nhìn những chú cua đồng hung tợn, nó loay hoay dùng đủ thứ “vũ khí” mà vẫn chưa tách được con nào cho vào cối, lại còn bị chúng cắn cho mấy phát vào tay đau điếng.
- Chị để em làm cho!
Không đợi nó trả lời, Quỳnh đã xắn tay áo, cho tay vào chậu cua.
- Khi bắt cua, chị phải giữ thật chặt ở hai bên thế này thì không bị cắn. Một tay giữ, một tay tách nhẹ vỏ ra. Chị đừng xay cua bằng máy, mà nên dùng chày giã nát rồi lọc lấy nước thì thịt cua mới ra hết, nước canh cua mới ngon…
Miệng nói, tay thoăn thoắt làm, chả mấy chốc Quỳnh đã “xử” xong đám cua đồng ngang bướng, nồi canh cua thơm phức, trông thật hấp dẫn. Nấu xong mà ba mẹ vẫn chưa về, 2 chị em ra phòng khách ngồi nói chuyện. Lúc này, Phương Anh mới để ý đến mái tóc đen, mượt của Quỳnh. Không kìm được tò mò, buột miệng hỏi:
- Em gội dầu gì mà tóc đẹp thế?
- Bồ kết đó chị à! Bà thường nấu bồ kết với bỏ bưởi cho em gội đầu, cảm giác dễ chịu mà tóc khỏe nữa. Hì, mà lần này bà cũng vẫn mang bồ kết cho chị đấy, bà bảo dạo này thấy tóc chị ít hẳn đi, lại bị chẻ ngọn nữa nên ngày nào cũng đi xin vỏ bưởi, dặn em phơi phơi khô với bồ kết để mang lên cho chị!
Nghe bé Quỳnh nói, tự dưng Phương Anh thấy bối rối như người mắc lỗi… Thì ra, bà nội vẫn luôn để ý, quan tâm đến đứa cháu vô tâm như Anh, đến cả việc tóc nó ít đi mà bà cũng nhận ra… Bà đâu có biết, những túi bồ kết, vỏ bưởi khô bà mang từ quê lên nó đều lén bỏ vào thùng rác. Tóc nó ngày càng cứng ngắc, rụng nhiều… là vì nó thường xuyên nhuộm, ép thẳng ở hàng làm tóc. Những việc đơn giản như vo gạo nấu cơm, nấu canh cua… bà cũng đã từng chỉ dạy nhưng nó chẳng bao giờ để ý...
Có tiếng gọi cửa, bố mẹ và bà đã về. Bà vẫn cười hiền hậu nhìn nó, khen 2 chị em nấu cơm ngon… nhưng nó cứ cảm thấy xấu hổ không dám nhìn vào mắt bà. Phải đợi đến sáng hôm sau, tiễn bà và bé Quỳnh ra bến xe về quê nó mới nắm tay bà lí nhí: - Bà ơi, chủ nhật tuần sau bà lại lên chơi với cháu và… và mang cả… bồ kết cho cháu gội đầu nữa bà nhé! - Ừ, bà biết rồi!
Được bà cười hiền hậu xoa đầu, nó mới thấy lòng mình thật nhẹ nhõm!
Bích Thủy