Mùa thu về, khoác lên chiếc áo mới lên xóm làng thân quen. Đó không chỉ là màu áo thiên thanh, mà còn là chiếc áo rực rỡ khi đêm về. Những chiếc đèn lồng khoe sắc màu và sự náo nhiệt trên những cành cây, trước hiên cửa nhà ai và cả trên tay đàn em nhỏ. Tôi vẫn nhớ sự náo nức của mình mỗi dịp trung thu tới khi còn nhỏ, và bây giờ, tôi nhìn thấy nó ở trong đôi mắt tròn xoe của em. Em được mẹ diện cho bộ quần áo mới, cùng các bạn tung tăng rước đèn. Chiếc đèn lồng chạy pin lúc lắc, hồn nhiên. Thời của tôi, chỉ có những chiếc đèn ông sao bằng giấy bóng và nan tre, chỉ lỡ tay cầm không thẳng là ngọn nến đặt trên hai nan tre vắt chéo vào nhau ở bên trong bén lửa cháy. Mỗi lần như thế, vì tiếc chiếc đèn mà có đứa tụi tôi khóc suốt mấy hôm vì mẹ chỉ có thể mua cho một chiếc ấy thôi, làm cháy là không có gì mà chơi nữa.
Chăm lo Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Ảnh: Sơn Ngọc
Rồi khi lớn lên một chút, lũ chúng tôi được các anh, chị lớn trong xóm bày cho cách làm lồng đèn. Đứa nào nhà rộng rãi hơn có thể mua năm bảy tấm giấy màu. Đứa nào đơn sơ hơn thì tự nghĩ ra cách chế tác những chiếc lồng đèn theo hình dáng ông sao, cá chép hoặc gì gì nữa tùy theo sự khéo tay của nó. Dù được làm bằng những vật liệu thô sơ, nhưng lồng đèn chúng tôi ngày xưa “đẹp” hơn nhiều so với bây giờ. Bây giờ những em nhỏ được cầm trên tay những lồng đèn điện tử, những lồng đèn bán trong các cửa hiệu màu mè lòe loẹt mà đánh mất đi niềm khao khát tuổi thơ. Bầu trời hôm đó cao thăm thẳm mà mặt trăng thì xuống thật gần. Người ta vẫn nói trăng của rằm trung thu là lúc mặt trăng to nhất trong năm. Vào dịp ấy, mặt trăng gần nhất với trái đất.
Nhìn các em nhỏ ríu rít vui đùa dưới ánh trăng, với bánh dẻo, bánh nướng, lòng tôi cũng thấy bình yên và thư thái. Chúng ta đều hi vọng những mùa trung thu ấy sẽ mãi mãi như thế, tràn ngập tiếng hát trong trẻo, những nụ cười hồn nhiên của các em. Đó là những khoảnh khắc thiêng liêng, những miền ký ức yên bình để con người ta nhớ mãi về một thời tuổi thơ.
Hoàng Trung