Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất trản trà
Nhất nguyệt dâm nhất độ
Lương y bất đáo gia
Bài thơ có những bản khác nhau (dị bản) ở câu 3 như: “Nhất nhật dâm nhất độ”, “Thất nhật dâm nhất độ”, “Bán nguyệt dâm nhất độ”,... Có người cho rằng bài thơ có nguồn gốc dân gian, ngẫu hứng, được truyền khẩu và thêm thắt, thay đổi nhiều ý khác nhau. Ý nghĩa ngắn gọn của bài thơ là: Nửa đêm uống 3 chung rượu nhỏ, sáng sớm uống một tách trà, một tháng ái ân một lần, thầy thuốc không đến nhà.
Ý câu thứ nhất là nửa đêm thức dậy uống 3 chung rượu sẽ làm cho khí huyết lưu thông, điều hòa tạng phủ, phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, ý bàn ở đây là nửa đêm dậy để uống rượu có phải là một sinh hoạt bình thường không? Rượu cất bằng chất liệu gì? Ly uống rượu dung tích bao nhiêu? Hiệu ứng đối với cơ thể mỗi người ra sao? Mùi rượu có gây khó chịu cho người khác trong nhà không?… Không đơn giản tý nào! Nửa đêm dậy uống rượu có lẽ chỉ có người nghiện rượu, khó ngủ mới uống được kiểu đó, người bình thường không thể làm được vì sẽ rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người trong nhà, người nằm chung,... nếu uống thường xuyên, liên tục chắc chắn sẽ dẫn đến nghiện rượu, thậm chí còn có thể dẫn đến mất hạnh phúc vợ chồng. Về chất lượng rượu thường dựa theo chuẩn là gạo nấu ủ men cất lấy rượu, tuy nhiên cũng không phải chất lượng như nhau, còn tùy thuộc chất lượng gạo, nguồn gốc sản xuất, chất lượng men, nhiều cách ủ nấu khác nhau sẽ cho ra rượu có nồng độ, chất lượng, ngon dở, lợi hại,... khác nhau. Về dung tích ly (chung) dùng uống rượu cũng có nhiều cỡ loại, tùy theo tửu lượng của người uống mà có tác dụng, hiệu ứng khác nhau. Như vậy, ý nghĩa nửa đêm dậy uống rượu chẳng qua là nói cho vui, nói ước lệ để có cớ cho người đàn ông có quyền uống rượu bất cứ lúc nào, tùy theo ý thích, không ai được cấm cản. Lập luận cho ý đó có những câu như “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, “Một trà, một rượu, một đàn bà…”.
Câu thứ hai là sáng sớm, mặt trời mới lên uống 1 tách trà nóng sẽ làm cho tinh thần tỉnh táo, sáng suốt, làm việc nhanh nhạy, hiệu quả, ngoài ra trà còn có một số tác dụng giải nhiệt, giải khát, tan đàm, dễ tiêu hóa, lợi tiểu, giải độc… dùng chữa một số bệnh như nhức đầu, mờ mắt, mệt mỏi gây ngủ nhiều, tâm phiền nhiệt, miệng khô khát, ăn khó tiêu, kiết lỵ…. Tuy nhiên, đối với người khó ngủ, táo bón,... thì không nên uống trà hàng ngày.
Ý câu thứ ba, khoản “ái ân” có ý nêu ra một tháng một lần, nửa tháng một lần, một tuần một lần hoặc một ngày một lần,... không phải đơn giản khi phân tích, luận bàn cho hợp lý. Nếu người có sức khỏe tốt mà một tháng chỉ có một lần thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Còn như nửa tháng một lần ở độ tuổi 60-70, sức khỏe bình thường là hợp lý, nhưng tuổi thanh niên trai tráng khỏe mạnh thì chưa hợp lý. Có lẽ câu “Thất nhật dâm nhất độ” là vừa phải, hợp lý với lứa tuổi thanh niên, trung niên, người có sức khỏe bình thường. Nhưng cũng tùy, có người có thể tạng, sức khỏe, di truyền, nhu cầu đặc biệt về tình dục “Nhất nhật dâm nhất độ” diễn ra bình thường, thậm chí “vào ba, ra bảy” mà giới thầy thuốc biết được trong số bệnh nhân, qua đồn đại, "trà dư tửu hậu",...
Trong đời sống hàng ngày nếu mọi người thực hiện được cách mức điều độ về trà, rượu, tình dục, các sinh hoạt khác thì sức khỏe sẽ ổn định, bình thường, “Lương y bất đáo gia” - Thầy thuốc không đến nhà... để khám chữa vì sinh bệnh do cách sống không hợp lý.
Như vậy, bài thơ trên có giá trị như thế nào cho cách sống của chúng ta không? Khó mà kết luận được, “chín người - mười ý”, người cho là đúng- có lý, kẻ bảo là sai - vô lý,... đúng là khó thật. Thời xưa, dưới chế độ xã hội “Nam trọng, nữ khinh”, người đàn ông là chủ, toàn quyền trong gia đình, muốn làm gì thì làm, gia trưởng, quan liêu, độc đoán, ... mọi người trong nhà phải tuân thủ, hầu hạ mới có kiểu sống theo nội dung bài thơ trên. Bây giờ cũng có thể có người sinh hoạt theo cách riêng của mình, nhưng đừng làm phiền người khác trong nhà. Nửa đêm thức dậy lò mò lấy rượu ra uống một mình là chỉ có nghiện rượu hoặc... tâm thần mà thôi, không một ai trong nhà tán đồng, ủng hộ, gây phiền hà, bực mình là cái chắc. Nên dẹp bỏ cách uống rượu kiểu này.
Sáng sớm, uống một vài ly trà ngon là thói quen của nhiều người từ xưa, uống cà phê kèm uống trà buổi sáng là thói quen của mọi người trong xã hội bây giờ , từ nông thôn đến thành thị, khắp mọi nơi. Như vậy, việc uống trà buổi sáng là bình thường, chỉ có uống trà ngon dở, đậm nhạt, nhiều ít, lâu mau,... một mình hay có bạn trà - cà phê?
Việc còn lại là sinh hoạt tình dục, tùy sức khỏe, bản năng, điều kiện, nhu cầu của từng người, không thể quy ước một lịch sinh hoạt chung cho tất cả mọi người, cho nên ý nghĩa câu thơ này có giới hạn nhất định, không thể áp dụng chung được.
Tóm lại, bài thơ trên chỉ mang tính ước lệ, có thể phù hợp với con người nhất định và hoàn cảnh xã hội thời xưa, với xã hội bây giờ không thể áp dụng được, chẳng qua khi có dịp ngồi với bạn bè thân hữu, đồng môn, đồng nghiệp,... nói phiếm với nhau cho vui mà thôi! Xin lạm bàn vậy.
Lê Vân