Tặng Đoàn M46 Hải quân
Tháng Giêng đến bất ngờ
Rưng rưng trong nỗi nhớ
Trang sách, trang thơ mỗi ngày gập mở,
Nơi ấy cuối trời, đồng đội cũng vào xuân.
Bán đảo đấy ư ?
Dải đất nhỏ vươn ngực trần rám nắng,
Đồi cát thương ai mà oằn lưng trĩu nặng,
Sóng vỗ mình thao thức tuổi đôi mươi.
Sao em vẫn lặng im, e ấp bồi hồi
Dáng nhỏ mảnh mai giữa trời xuân bán đảo,
Đi bên em giữa xôn xao màu áo,
Cánh mai rừng khát cháy cả giêng hai.
Gửi một thời trai,
Lính trẻ bồi hồi thèm bàn tay con gái.
Mai xa rồi có chi mà e ngại,
Dặt dìu…
Người ở…
Người ơi…
Mai xa rồi nơi ấy giữa ngàn khơi
Bán đảo và em mãi là bến đợi,
Cây phong ba giữa biên cương vời vợi,
Cánh chim trời không mỏi phía bình minh.
Xuân Tình
Với mùa xuân, người lính thường có cách nhìn, cách nghĩ riêng, rất trẻ. Bài thơ “Bán đảo mùa xuân” của tác giả Xuân Tình đến với tôi vào thời điểm giêng hai, khi cái giá lạnh của mùa đông đang lùi lại phía sau, nhưng những con sóng cấp bốn, cấp năm ngoài khơi xa vẫn còn cồn cào thao thức.
Một mùa xuân mới lại đến... Tháng Giêng, những người lính hành quân về phía mặt trời… chợt gặp cái bồi hồi luyến lưu xúc động của chúng tôi trên chiến hào biên giới mấy mươi năm về trước, người lính đón xuân trên đường hành quân, có phải hương xuân vương đầy áo lính.
Bán đảo mùa xuân đã khắc họa lên một hình ảnh tươi mới và tâm trạng của những người lính đến với Trường sa. Mới đọc bốn câu thơ đầu “Tháng Giêng đến bất ngờ…”, ta như bắt gặp mùa xuân trong lòng người thảng thốt, bâng khuâng. Cái bất chợt đến là sự giao cảm của đất trời và con người. Lời thơ dung dị, tự nhiên mà lay động lạ kỳ, gieo vào lòng mỗi chúng ta một cảm xúc mới. Ngoài khơi xa, Trường Sa thân yêu, những lộc chồi cũng đang bật dậy, cánh hoa phong ba bung nở, những chùm muống biển tím trời, biển dường như xanh hơn, tiếng sóng cũng dập dìu hơn. Cảm xúc, ý thơ mở ra hồn nhiên với nỗi nhớ chân thành cùng khát khao nét bình yên nơi đầu sóng. Phải chăng, cái khát vọng của tuổi trẻ chính là đại dương bao la Nơi ấy cuối trời đồng đội cũng vào xuân.
Bán đảo những ngày chuyển quân thật náo nhiệt, thiêng liêng và xúc động. Hình ảnh cuộc chia tay trong thơ anh cũng rất lính, thầm kín, bối rối và mạnh mẽ, cái “dáng nhỏ mảnh mai” ấy là thước ngắm qua những chuỗi ngày ấp ủ của người lính, để rồi họ lại phải chia tay. Niềm yêu, nỗi nhớ cũng rất đỗi hào hoa và lãng mạn “cánh mai rừng khát cháy cả giêng hai”. Cánh mai rừng của phương Nam mỏng manh cười trong nắng làm rạo rực bao trái tim người lính . “Mai xa rồi … mai xa rồi có chi mà e ngại – dặt dìu người ở, người ơi!”, điệp khúc nhớ thương cứ láy đi láy lại. Những con tàu sắp rời bến cảng, những bàn tay nắm lấy bàn tay, họ thầm lặng, gấp gáp, có chút vụng về mà trân trọng và thương quý làm sao!.
Vượt qua thử thách và nỗi nhớ, ngày mai, những người lính lại đến với biển đảo xa xôi, dẫu cách xa muôn trùng hải lý nhưng tình yêu của họ vẫn rất gần, tự tin và neo giữ. Biển đảo – đất liền là ký ức thiêng liêng, những cánh chim không mỏi ấy luôn hướng nhau về bến đợi. Đó cũng là điều làm lên sự kỳ diệu trong cuộc sống. Xin cảm ơn Xuân.
Duy Hoàn