Tuy nhiên, vì các sếp… “hiền” quá, nên bị đám lính chúng tôi giấu diếm, “qua mặt” nhiều chuyện, để rồi khi phát hiện, sếp la làng, inh ỏi trời đất.
Thời xăng dầu khan hiếm, xe máy coi như cất xó bếp, sếp dạng có…uy của Thị xã nên được cấp phiếu tháng mười lít xăng, khi lấy xăng, nhân viên ghi số lượng vào sổ. Kỳ đó nghỉ lễ, nhà có xe máy, muốn đi Vĩnh Hy chơi, nhưng…kẹt xăng, chúng tôi vào tủ sếp (không khoá), lấy trộm sổ ra cây xăng “chơi” luôn bốn lít. Mấy ngày sau, sếp có việc, cầm sổ lên xem và lầm bầm: Mình đổ xăng khi nào mà sao bị mất nhỉ? Cả đám lính ngồi im không dám nhúc nhích. Tưởng là xong chuyện!
Tháng đó, chúng tôi “quên” họp chi đoàn, sếp (kiêm Bí thư chi bộ) hỏi tôi, tôi nói dối là đã họp. Sếp “truy” lính khác, mới lộ bài ra. Bực quá, sếp triệu tập mấy ông lính… lác, “nện” cho một trận nên thân về tội “qua mặt” lãnh đạo. Nhân đó, sếp chỉ cho chúng tôi biết luôn ông “tướng” nào ra cây xăng “trộm” xăng của sếp, (có gì lạ đâu, sếp ra cây xăng hỏi thăm là biết ngay thôi mà). Sếp tha hết, đám chúng tôi tâm phục khẩu phục. Sếp bao dung thật!
Cũng thời đó, cuối năm thường họp đánh giá, phân loại cán bộ, sếp thuộc loại… làm biếng viết lách, bèn nhờ tôi làm hộ… bảng kiểm điểm. Sếp xem là ưng ý ngay, bèn bảo anh em đánh máy một “táp” (năm, sáu tờ pơ-luya kẹp giấy than đưa vào máy đánh chữ, thời đó chưa có vi tính, máy in), có lẽ sếp dùng… nhiều năm liền, ngày tháng năm để trống, lúc nộp thì ghi và ký tên vào, khoẻ re! Sếp đã dùng hai tờ rồi, đến năm thứ ba thì mấy bảng kiểm điểm còn lại biến đâu mất, sếp lục tung tủ hồ sơ của mình. Có gì đâu, ông “tướng” nào đi lấy hồ sơ cho sếp, không chú ý đến “cây đại bác” bắn thuốc lào của sếp, làm đổ kềnh ra trong tủ, loại nước “đậm đặc thối om” trong súng đổ ra, ướt một mớ công văn tài liệu của sếp. Sợ bị rầy, cu cậu bèn “thủ tiêu” sạch, thu dọn hiện trường! Khổ thân sếp hì hục viết lại bảng khác, ba ngày sau mới xong!
Rồi cuối cùng, lúc tuổi sắp về hưu, tôi lại làm lính cho một “sếp trẻ”, vị này nhỏ hơn tôi mười tuổi, nhưng cái họng la to gấp mười lần loa phát thanh thành phố. Chuyên môn, nghiệp vụ cũng thường thôi nhưng hay cao ngạo, luôn ra oai lãnh đạo, chỉ dạy người dưới quyền, anh em công chức ít nể phục; đã xảy ra nhiều trường hợp cãi vã giữa sếp và lính làm bầu không khí trong cơ quan nặng nề u ám, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Đỉnh điểm xảy ra trong một trận nhậu “đã đời” tại một nhà hàng mừng đại hội nhiệm kỳ Công đoàn cơ sở khối. Kết thúc buổi liên hoan, ai nấy đều mệt mỏi cả rồi, nhiều người “bảy nhỏ”, tiền thì cũng đã thanh toán xong. Giữa đông anh em cán bộ trong khối, sếp tôi tuyên bố: Tất cả ngồi lại, thay mặt phòng A, tôi chiêu đãi “tăng” sau… Một cán bộ phòng can ngăn: Thôi, sếp ơi, hôm khác đi, lãng phí lắm! Sếp… “hùng hổ” chỉ tay vào mặt lính: Im, tui là thủ trưởng, là bí thư, tui quyết… Lính cự lại: Làm sếp thì về cơ quan mà làm, đây là hàng quán, nghe chưa, ông nội! Đồ…ho lao!
Ba hôm sau, anh lính “dám cự sếp” này, làm đơn xin chuyển công tác sang cơ quan khác!
Minh Sĩ