Ẩm thực Phan Rang - “bức tranh” đa sắc

(NTO) Ngoài những món ăn “đặc sản” như cơm gà, bánh xèo, bánh căn, bánh canh,… đã “nổi tiếng” với bạn bè gần xa khi ghé miền nắng gió, ẩm thực Phan Rang còn nhiều “mảng màu” cũng không kém phần hấp dẫn.

“Không tên” mà vẫn đông khách

Du khách đến Phan Rang không khỏi ngạc nhiên khi thấy phố nhỏ lại có nhiều hàng ăn vặt đến như vậy. Hầu như trên mọi con đường lớn nhỏ, mọi con hẻm, góc phố đều có hàng ăn vặt. Từ nồi bánh canh, những hàng bún mắm nêm chật kín người, bếp than đỏ hồng làm dậy lên mùi thơm bánh tráng nướng mỡ hành, đến hàng chè trong hẻm nhỏ, quán ốc bình dân,… nơi nào cũng đông khách, đủ thành phần, lứa tuổi. Không cần biển hiệu màu mè, quảng cáo rình rang, những hàng ăn “không tên” này vẫn “nổi tiếng” trong lòng thực khách. Cứ thử nhắc đến một món ăn là mọi người lại liệt kê ra những địa điểm ăn ngon, như bún mắm nêm thì phải đến trước Nhà thiếu nhi tỉnh, hàng này đã có hơn 20 năm; ăn chè thì phải vào hẻm 308 Thống Nhất, hẻm này còn có đến 4 hàng bánh tráng nướng mỡ hành; muốn ăn cháo hào thì vào đường Tô Hiệu, cạnh quán cà phê Việt; gỏi bò khô thì ăn ở đường Quang Trung là ngon nhất;…

 
Khách du lịch với các món ăn đặc sản Ninh Thuận. Ảnh: T.Long

Thú ưa ăn vặt của người dân Phan Rang khiến cho ẩm thực đường phố trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mỗi người. Từ sáng sớm đến tối khuya, hầu như ai cũng phải ít nhất một lần kéo ghế ngồi xuống một hàng quán con con bên lề đường, để thưởng thức một thứ hàng ăn vặt giản dị mà đậm đà hương vị quê nhà. Mặc kệ những lời cảnh báo về vấn đề vệ sinh, những câu chuyện thực phẩm độc hại, giả mạo ở đâu đâu phố lớn dường như “miễn nhiễm” tại phố nắng Phan Rang, nên thực khách vẫn cứ “ưu ái” dành tình cảm và sự tin tưởng cho những hàng quán đường phố ấy. Cũng có người cho rằng, thói quen “ăn hàng” đã trở thành một nét tính cách của con người Phan Rang. Điều này không hẳn không có lý khi mà càng ngày càng có nhiều thêm hàng ăn vặt, và điều đặc biệt là lượng khách hàng cũng theo đó mà tăng lên.

Ẩm thực “hội nhập”

Không khó để nhận thấy thời gian gần đây, bức tranh ẩm thực Phan Rang có nhiều màu sắc mới. Đầu tiên phải kể đến hàng loạt nhà hàng, quán ăn hải sản tươi sống mới mở ở dọc đường Yên Ninh. Đối tượng khách hàng mà những nơi này nhắm đến là lượng du khách người Nga đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh ta. Đây không chỉ là cơ hội quảng bá văn hóa ẩm thực địa phương thông qua thế mạnh hải sản tươi sống, mà còn là cơ hội tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người “ăn theo” du lịch từ loại hình dịch vụ ăn uống.

 
Bánh xèo - Đặc sản Phan Rang. Ảnh: Văn Miên

Ngoài đối tượng du khách quốc tế, không ít nhà hàng mới mở phục vụ khách những món ăn mang quốc tịch nước ngoài. Nằm ở góc đường Ngô Gia Tự – Lê Lợi (gần vòng xoay Tấn Tài) với cách bài trí khá nổi bật, quán ăn Doner Kebab, chuyên bán bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ thu hút đông đảo thực khách và đang dần xây dựng được thương hiệu của riêng mình. Ít ai biết, ông chủ của quán ăn này chỉ mới 24 tuổi. Về ý tưởng mở quán, Lê Nguyễn Duy Tân tâm sự: “Khi còn đi học ở TP.Hồ Chí Minh, tôi rất thích ăn bánh mì này. Cộng với niềm yêu thích kinh doanh từ nhỏ, tôi nảy ra ý định đưa món bánh mì khá ngon miệng này về với Phan Rang, tạo một nét độc đáo mới cho ẩm thực quê nhà. Điểm đặc biệt nhất của bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ chính là nhân thịt hun khói. Rau và các loại nước tương được hòa quyện trong nhân theo đúng khẩu vị của người Phan Rang nên rất dễ ăn.” Ngoài bánh mì, quán còn bán bánh hotdog và bánh tráng trộn Tây Ninh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực khách, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến ẩm thực Phan Rang mà không nhắc đến các món đặc sản của những địa phương khác tại đây. Với những người chọn Ninh Thuận là quê hương thứ hai của mình, sẽ thật ấm áp khi một hôm nào đó bất chợt rong rủi và tìm gặp chính nơi phố phường nóng hổi này hương vị của một Hà Nội qua bát phở Bắc hay ly nước sấu nước mơ trong con hẻm nhỏ, bắt gặp một Quảng Nam ở quán bê thui Thu Bồn, hay thấy chút không khí Sài Gòn náo nhiệt khi ghé cửa hàng bánh mì Tuấn Mập trên đường 21 Tháng 8, một chút mênh mang sông nước Cửu Long khi thưởng thức nồi lẩu cá kèo Hai Tôm,… Dù chưa thật giống, chưa thật đúng với hương vị “gốc”, nhưng ở những hàng quán ấy, mỗi người đều tìm thấy cho mình một sợi dây liên kết, vượt ra khỏi cái nghĩa trần trụi của việc ăn uống, đó là kết nối văn hóa, là tình cảm gắn kết vùng miền.

Ở vị trí “ngã ba” giữa miền Trung, miền Nam và Tây nguyên, ẩm thực Ninh Thuận đã trung hòa để tạo ra hương vị đặc trưng không chỉ đậm đà mà còn “vừa miệng” nhiều người. Đó có lẽ là lý do khiến không ít bạn bè khắp mọi miền, khi đã đến Ninh Thuận đều nhận xét quê hương nắng gió không chỉ rất đẹp mà còn “rất ngon”.