Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô

(NTO) Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã được cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp 4-cấp nguy hiểm. Trước tình hình thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng tăng cao, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai các phương án phòng, chữa cháy.

Đầu năm nay, trước tình hình khô hanh, tại một số khu vực rừng đã xảy ra cháy. Trong đó, tại tiểu khu 154 huyện Thuận Bắc, từ việc bất cẩn trong quá trình đốt rẫy của người dân địa phương dẫn đến lửa cháy lan sang cỏ tranh và gây ảnh hưởng đến một số diện tích rừng. Mặc dù diện tích thiệt hại không nhiều do đây là khu vực rừng khộp, phần đã được lực lượng chức năng huy động nhân lực chữa cháy kịp thời, tuy nhiên, với diện tích rừng tương đối lớn, lại ở địa bàn khó khăn nên nếu không cẩn trọng thì nguy cơ cháy rừng sẽ tiếp tục xảy ra, rất khó cho công tác chữa cháy.

Diễn tập phòng, chống cháy rừng ở huyện Ninh Sơn. Ảnh: Nguyễn Sơn

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 148.600 ha diện tích đất có rừng, trong đó rừng đặc dụng gần 33.000 ha, rừng phòng hộ hơn 85.400 ha và rừng sản xuất hơn 30.000 ha. Đến thời điểm này, các địa phương đã tổ chức xong việc phát ranh cản lửa, đốt chủ động và triển khai các nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại các khu vực rừng thuộc địa bàn được giao quản lý. Khi có cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp 3 trở lên, nghiêm cấm người dân mang lửa vào rừng, cấm việc đốt nương làm rẫy. Chi cục Kiểm lâm thường xuyên bố trí cán bộ chuyên môn, theo dõi sát tình hình thông qua hệ thống định vị vệ tinh, kịp thời cảnh báo đến các địa phương khi xảy ra cháy. Các vùng rừng đều bố trí đài quan sát cao để theo dõi, kịp thời phát hiện vị trí đám cháy khi mới bùng phát.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quản lý, Bảo vệ rừng-Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Các vụ cháy rừng thường xuất hiện ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, chủ yếu là các khu rừng khộp, nơi có các cây họ dầu tái sinh, sau mùa mưa cây sẽ phát triển trở lại. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cháy cao và gây nhiều thiệt hại tập trung ở vùng rừng đặc dụng Phước Bình, rừng trồng, rừng cao su tại hai huyện Ninh Sơn, Bác Ái; rừng phi lao thuộc rừng phòng hộ ven biển. Do đó năm nay, Ban chỉ huy PCCR yêu cầu các đơn vị chủ rừng phải xây dựng kế hoạch, phương án PCCR cụ thể để thực hiện và theo dõi, quản lý.

Trên cơ sở phương án PCCR đã được UBND tỉnh phê duyệt, Ban chỉ huy bảo vệ rừng và PCCR của tỉnh đã thành lập, củng cố 7 ban chỉ huy và văn phòng ban chỉ huy bảo vệ rừng, PCCR cấp huyện, thành phố; củng cố 35 ban chỉ huy bảo vệ rừng, PCCR cấp xã có rừng trọng điểm; củng cố, thành lập 97 tổ chuyên trách ở thôn, các tổ nhận rừng khoán quản duy trì hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên trong các tháng mùa khô. Ngoài ra, 9 đơn vị chủ rừng cũng đã chủ động thành lập Ban chỉ huy bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng riêng cho đơn vị, bố trí 90 điểm trực ngoài thực địa thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng một cách nghiêm túc.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh cho biết thêm: Rút kinh nghiệm từ những đợt PCCR thời gian qua, các địa phương cần chú trọng thực hiện tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức người dân, nhất là cộng đồng cư dân sống gần rừng. Việc tuần tra của chủ rừng cũng phải thường xuyên và mạnh mẽ hơn, nhất là với vùng trọng điểm trong mùa cao điểm cháy rừng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, rà soát phương án và biện pháp triển khai thực hiện phương án PCCR theo phương châm 4 tại chỗ, trực 24/24 giờ, bố trí canh phòng ở những khu vực trọng điểm, không để phát sinh nguồn lửa và phát hiện sớm điểm cháy, huy động lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.