HỒ SƠ-TƯ LIỆU: Truy tìm thủ phạm lấy cắp mão vàng ở Tháp Pô Rôme

(NTO) Ngày 22-12-1981, tại tháp Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, ông Nguyễn Tình là người giữ kho và cúng lễ (người Chăm gọi là ông Từ) đã phát hiện chiếc mão của vua Chăm Po Rome (Pô Rôme) ở thế kỷ thứ XVI để trong kho do ông coi giữ đã bị mất.

Hàng năm cứ vào 4 ngày lễ lớn của người Chăm, những người được quy định gồm ông Từ và hai thầy Kadhar (Thầy Cò-ke) ở thôn Hậu Sanh là những người được phép mang áo mão lên Tháp mặc cho Vua Po Rome. Sau giờ hành lễ, những người này lại đưa về kho giao cho ông Tình giữ và có trách nhiệm trông coi. Theo các vị chức sắc và già làng người Chăm kể lại, chiếc mão này có hai lớp, lớp trong làm bằng kẽm và lớp ngoài làm bằng vàng nặng khoảng 1,5 kg. Đây là một kỷ vật duy nhất của Vua Po Rome mà người Chăm còn giữ lại qua nhiều thế kỷ, vừa mang tính chất là di tích lịch sử, đồng thời vừa mang giá trị nghệ thuật của dân tộc Chăm.

Tháp Pô Rôme. Ảnh: Văn Miên

Tháp Hậu Sanh được xây dựng vào thế kỷ XVI. Ông Tình là người Chăm được đồng bào cử làm ông Từ theo tục lệ “cha truyền, con nối”. Tại khu tháp này còn có nhiều sư tử đá, các bức phù điêu và 3 pho tượng của 3 người vợ của Vua Po Rome là: Pô Thanh Chanh, Ngọc Hoa và Thanh Chík. Tượng làm bằng đá, mỗi pho nặng từ 1,5 đến 2 tấn.

Tin chiếc mão vua Chăm bị mất nhanh chóng được lan đi khắp nơi trong tỉnh, gây náo động và hoang mang, làm tổn thương đến tình cảm thiêng liêng của đồng bào Chăm đối với kỷ vật này. Kẻ địch và phần tử xấu đã lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, gây tình hình xấu về chính trị trong vùng đồng bào Chăm...

Trước tình hình phức tạp nêu trên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh (Thuận Hải cũ) đã giao cho Công an kết hợp với các ngành chức năng của tỉnh, tiến hành các biện pháp để ổn định tình hình nhân dân và điều tra sớm khám phá vụ án. Ban Giám đốc Công an tỉnh đã họp với các lực lượng trong ngành từ tỉnh đến huyện để bàn kế hoạch thống nhất hành động, lập Ban chuyên án do đồng chí Nguyễn Kim Thanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Dương Hồng Quang, Trưởng Công an huyện Ninh Phước làm Phó ban, tham gia Ban chuyên án còn có đồng chí Phạm Nam, Quyền Trưởng phòng PA16, Nguyễn Quang Chiêu, Phó phòng PC14. Cán bộ điều tra vụ án có: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Nhỡn PA16; Nguyễn Sỹ Nam, Trần Bá Vững và Trần Công Lĩnh, PC14; Đào Kim Hùng, cán bộ Công an huyện.

Dưới sự chỉ đạo của Ban chuyên án, các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an và phong trào phát động quần chúng được tiến hành đồng bộ. Công an tỉnh và huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 5 cuộc tọa đàm với quần chúng thuộc các tầng lớp trong dân tộc Chăm, đồng thời qua phát động quần chúng để nắm tình hình, sàng lọc các đối tượng có nghi vấn liên quan đến 263 đối tượng sưu tra về chính trị, hình sự.

Sau một thời gian làm việc tích cực, khẩn trương, phong trào quần chúng địa phương được nâng cao, quần chúng người Chăm đã thấy rõ được sự quan tâm của chính quyền, đang tập trung một lực lượng lớn để điều tra vụ án và còn vận động toàn thể nhân dân tham gia. Quần chúng đã cung cấp cho Công an những đối tượng nghi vấn có khả năng đã gây ra vụ án. Kết hợp giữa kết quả điều tra của công an và tin tức quần chúng cung cấp, ngày 27-2-1982, Công an đã có đầy đủ chứng cứ kết luận vụ án. Đối tượng gây ra là Bạch Thanh Ngọ và Đổng Lai, người xã Phước Hữu, cách Tháp Po Rome 3km, là người có họ hàng với ông Tình coi giữ kho. Đối tượng tiêu thụ là cửa hàng buôn vàng của mẹ con Nguyễn Thị Thì và Lê Thị Kim Dung, ở số nhà 237, đường Thống Nhất, thị xã Phan Rang. Công an đã bắt được Đổng Lai, còn Bạch Thanh Ngọ bỏ trốn.

Đổng Lai đã khai nhận như sau: Do có ý đồ chiếm đoạt chiếc mão vàng của Vua Po Rome và nắm được quy luật cất giữ báu vật trên của ông Từ nên đêm 25-12-1981, hai tên Ngọ, Lai đã đóng giả người đi mua bò, đến xã Phước Hữu và ghé vào thăm ông Tình. Lợi dụng ông Tình già, mắt kém, tên Ngọ đã lấy trộm chìa khóa, mở cửa vào lấy mão bóp bẹp lại, luồn vào trong áo kẹp vào nách đi ra, rồi khóa cửa lại về nhà sau đó đem bán cho Cửa hàng buôn vàng, số 237-đường Thống Nhất, thị xã Phan Rang. Khám cửa hàng 237 và nhà ở của Ngọ, Lai, cảnh sát điều tra đã thu được tang vật của vụ án. Qua giám định kết luận số vàng thu được tại Cửa hàng 237 và nhà ở của hai đối tượng là vàng của chiếc mão mà Ngọ và Lai đã lấy trộm ở Tháp Po Rome.

Kết thúc điều tra vụ án, ban chuyên án đã kịp thời cho tổ chức Hội nghị tại xã, có 130 đại biểu đại diện cho các đoàn thể, ban, ngành và các chức sắc, già làng đại diện cho 24.000 người Chăm tới dự. Hội nghị nghe Ban chuyên án thông báo kết quả đã tìm được mão vàng, nghe băng ghi âm lời khai của Đổng Lai và xem tang vật của vụ án mà Công an đã thu hồi được. Tất cả các đại biểu trong hội nghị đều tỏ thái độ vui vẻ và phấn khởi, khen ngợi Công an và nói lên sự quan tâm của chính quyền cách mạng. Nhiều đại biểu người Chăm đã phát biểu “Chỉ có chính quyền cách mạng mới quan tâm đến dân tộc Chăm mới tìm ra kẻ lấy mão, chứ chế độ Mỹ ngụy không bao giờ làm”. Những phần tử xấu và kẻ địch đã bị dân tộc Chăm đấu tranh lại, làm cho bọn chúng thất vọng. Quần chúng đã có tư tưởng, tình cảm tốt đẹp với chính quyền cách mạng và lực lượng Công an.

Hành vi phạm tội nghiêm trọng trên đây của Ngọ và Lai đã bị tòa án nhân dân tỉnh Thuận Hải tuyên phạt tù chung thân (tên Ngọ bỏ trốn chưa bắt được).

Chiến công trên không chỉ có ý nghĩa là khám phá được một vụ án lớn, mà còn có ý nghĩa chính trị lớn, góp phần củng cố khối đoàn kết giữa các dân tộc và các tôn giáo, củng cố được lòng tin của người Chăm đối với Đảng và Chính quyền cách mạng.

Các chiến sĩ Công an tham gia điều tra khám phá vụ án, đã được UBND tỉnh Thuận Hải tặng bằng khen.