Dáng núi

(NTO) Tôi có cô bạn quê miền Tây sông nước từ nhỏ đến giờ chưa được thấy núi “thật” lần nào, nên khi phát hiện những khoảng nhấp nhô màu xanh sậm qua cửa số tàu lửa đã trố mắt hỏi: “Cái đó là núi hả? Núi đẹp thế đó hả?” Thế là tôi có dịp dẫn cô bạn đi lòng vòng xứ Ninh Thuận này để “khoe” đủ các loại núi.

 

Thắng cảnh núi Đá Chồng thuộc địa bàn thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải

Từ những vách đá cheo leo sát bên biển Vĩnh Hy đến những ngọn núi chập chùng hùng vĩ của đại ngàn Bác Ái,... nơi nào cũng thật đặc biệt. Giờ tôi mới nhận ra, ngoài hướng đi ra biển, Ninh Thuận mình đi đâu cũng có núi ở phía đường chân trời. Mà lạ lùng là mỗi vùng mỗi khác, trong khi núi ở phía Bắc khá cao và trùng điệp, cây cối tươi tốt thì núi phía Nam có phần thấp hơn, đá lởm chởm, lưa thưa mấy cây bụi gai góc, còn núi phía Tây vùng Ninh Sơn, Bác Ái thì trù phú, xanh mát hơn. Nhiều vùng còn có hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm như Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải), Vườn Quốc gia Phước Bình (Bác Ái). Núi ở Ninh Thuận cũng không ít cảnh đẹp, địa điểm du lịch hấp dẫn như: thác Cha Pơ (Bác Ái), suối Lồ Ồ (Ninh Hải), thác Sakai (Ninh Sơn), suối nước nóng Tân Sơn (Ninh Sơn),…

Một góc non nước núi Chúa thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải

Chiếm hơn 60% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, núi ở Ninh Thuận có dáng một người mẹ ôm con vào lòng, bao bọc vùng đồng bằng nhỏ hẹp phía trong. Nhiều người nói, vì núi non bao quanh cả 3 phía Bắc, Tây, Nam nên khí hậu Ninh Thuận thiếu mưa, thừa nắng, khô hạn quanh năm. Biết vậy, nhưng tôi vẫn cứ thích nghĩ là được núi “ôm”, chở che nên Ninh Thuận ít khi bị ảnh hưởng của bão, khí hậu “ấm” hơn những vùng khác.

Bà nội kể, ngày xưa, bộ đội mình toàn lập căn cứ trên núi vì trên ấy địa hình hiểm trở, địch khó phát hiện. Những căn cứ kháng chiến như núi Cà Đú (Ninh Hải), núi Đá Trắng (Ninh Phước), rồi Phước Chiến, Phước Kháng,… của huyện Bác Ái đã “giấu” cán bộ, chiến sĩ ta, đồng hành suốt cuộc chiến trường kỳ, ác liệt. Con người anh hùng, núi non cũng anh hùng là vậy.

Nơi tôi sinh ra cũng có một dãy núi phía cuối cánh đồng lúa, ánh mặt trời cuối cùng thường vương trên đường cong mềm mại của núi trước khi khuất hẳn. Ngày bé, cứ chiều tối mà chưa thấy ba mẹ làm đồng về là chị em tôi lại ngóng mãi phía núi ấy, thành ra quen, gọi núi ấy là “núi nhà mình”. Lớn lên mới biết đó là vùng Nhị Hà, Phước Hà của huyện Thuận Nam…

Thác bạc Chapơ, thắng cảnh nổi tiếng thuộc địa bàn xã Phước Tân, huyện Bác Ái.
Ảnh Sơn Ngọc

Giờ đây, trên những dãy núi ấy là những con đường nhựa, đường bê- tông với 2 hàng cây xanh mát, là lối đi về của những xe gắn máy, ô-tô. Cuộc sống của bà con miền núi ngày càng đầy đủ, sung túc nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Nhà mái ngói đỏ tươi như những bông hoa giữa đại ngàn. Cái chữ lên vùng cao, viết lại tuổi thơ các em nhỏ nơi đây bằng những buổi cắp sách tới trường, thay cho những gùi to gùi nhỏ lên nương rẫy mỗi sớm mai. Hệ thống thủy lợi cũng được dẫn lên những nơi khô hạn, mang màu xanh no ấm đến đồng bào Raglai…

Rời quê hương thân yêu, dáng núi cong cong theo tôi trên mọi nẻo đường đời, thôi thúc bước chân trở lại chốn cũ. Để mỗi khi nhìn núi non quê người lại thấy xốn xang trong lòng, nhớ một dáng núi không nơi đâu có. Chả thế mà cứ nhìn cái dãy núi đá cạnh biển Cà Ná xa xa là lòng đã rộn lên bao niềm khó tả. Tự bao giờ, mọi ngọn núi Ninh Thuận tôi từng thấy, từng ngang qua đã in trong trí nhớ, và tôi thân thương gọi là “núi nhà mình”.