Để thực hiện hiệu quả chủ trương của Ban Bí thư, Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Bắc ban hành các văn bản, kế hoạch, tổ chức phân công cụ thể trách nhiệm của các ban, ngành, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung của chỉ thị. Bên cạnh đó, Đảng ủy, HĐND và UBND các xã còn ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự nhất quán trong triển khai thực hiện tín dụng CSXH. Đặc biệt, trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, từ khi có chủ trương bổ sung các đồng chí Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện đã góp phần nâng cao sức mạnh chính trị trong bộ máy chỉ đạo điều hành, từ đó mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín dụng CSXH được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân, khắc phục hiệu quả các tồn tại so với trước đây. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho Ngân hàng CSXH trên địa bàn tổ chức giao dịch an toàn, đảm bảo mục tiêu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn vay và sử dụng đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng cung cấp.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thăm hỏi tình hình sản xuất của hộ vay tại xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).
Đồng chí Nguyễn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Bắc, cho biết: Hằng năm, huyện cân đối, bố trí vốn ủy thác sang ngân hàng để bổ sung nguồn lực cho vay; đồng thời, kết hợp với nguồn lực từ các chương trình, dự án khác góp phần nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Bá Trung Hành, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, để vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đơn vị thực hiện phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình vay vốn cho các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức giao dịch trực tiếp tại trụ sở UBND xã theo lịch cố định hằng tháng, nhờ đó quy mô tăng trưởng, chất lượng tín dụng không ngừng mở rộng và nâng cao. Tính đến ngày 16/12/2024, toàn huyện có 7.440 hộ vay vốn, với số tiền 445,2 tỷ đồng; trong đó, tập trung nhiều nhất ở các chương trình cho vay hộ nghèo 45,5 tỷ đồng, hộ cận nghèo 36,8 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 113,3 tỷ đồng, vay giải quyết việc làm 80,8 tỷ đồng...
Nổi bật trong công tác tín dụng CSXH ở huyện Thuận Bắc ưu tiên cho các chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; các hộ sau khi vay vốn được hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích, kết hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó hình thành nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với đặc thù vùng miền núi, cho hiệu quả kinh tế cao. Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã tác động đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thúc đẩy tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5%/năm, hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở cho hộ nghèo được xây dựng, nhiều lao động có việc làm ổn định sau khi được tiếp cận vốn vay.
Nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác tín dụng CSXH trong thời gian tới, huyện Thuận Bắc huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Chú trọng huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, tiền gửi của các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn và ủy thác vốn ngân sách địa phương, nâng cao hiệu lực hoạt động tại các điểm giao dịch xã; rà soát đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn giao, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay, định hướng người dân xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh đúng trọng tâm, trọng điểm, thực hiện trả nợ gốc, lãi vay theo đúng quy định.
Hồng Lâm