Thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại (Bác Ái) là một trong những điểm sáng của huyện trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng BLGĐ. Thôn có gần 98% dân số là bà con đồng bào Raglai. Trước đây, trung bình mỗi năm, thôn ghi nhận từ 5-6 vụ việc BLGĐ. Nguyên nhân đến từ việc lạm dụng rượu, bia, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết pháp luật. Thế nhưng, gần 3 năm qua, tình trạng trên đã được kéo giảm. Đặc biệt, trong năm 2024, thôn không còn trường hợp BLGĐ. Có được kết quả trên là nhờ Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) thuộc Dự án 8 “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức, cách nghĩ cộng đồng về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ. Ngoài việc tổ chức sinh hoạt định kỳ, các thành viên của tổ còn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về các nội dung, như: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ... Ông Phạm Văn Tỵ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ TTCĐ thôn Tà Lú 1 cho biết: Các thành viên tổ luôn tích cực bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin ở các cụm, khu dân cư, nhất là các hộ dân thường xảy ra mâu thuẫn, xích mích. Trên cơ sở đó, chúng tôi đến tận nhà các hộ lắng nghe nguyên nhân để tìm hướng giải quyết và hòa giải; đồng thời kịp thời lên tiếng, phối hợp với chính quyền địa phương tham gia giải quyết hoặc làm chấm dứt hành vi bạo lực gây tổn thương hoặc có khả năng gây tổn thương về thể xác, tinh thần, kinh tế cho phụ nữ và trẻ em.
Tổ truyền thông cộng đồng thôn Trà Co 1 tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ về cách phòng, chống và ứng xử với bạo lực gia đình..
Không chỉ giúp kéo giảm, hạn chế thấp nhất các trường hợp BLGĐ, các tổ trên địa bàn tỉnh ta còn góp phần thay đổi quan niệm, định kiến của nam giới trong phân biệt đối xử với phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội. Cụ thể, nam giới chủ động chia sẻ công việc gia đình, tạo điều kiện cho trẻ em gái, phụ nữ học tập, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng và làm chủ kinh tế gia đình... Đó là những thay đổi cơ bản mà các tổ trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua. Tính đến nay, các cấp Hội LHPN tỉnh đã thành lập và duy trì hiệu quả 77 tổ TTCĐ. Thành viên tổ là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng chi hội đoàn thể... Đây là những người có uy tín, có tiếng nói với cộng đồng dân cư nên hoạt động rất hiệu quả.
Cùng với việc triển khai tổ TTCĐ, trong năm 2024, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu, hướng tới “nói không với BLGĐ” trong vùng đồng bào DTTS. Trong đó, 8 địa chỉ tin cậy; 14 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được duy trì hiệu quả; tổ chức 11 buổi chiến dịch truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong cộng đồng; thường xuyên tổ chức sinh hoạt cho hội viên phụ nữ thuộc các chi hội, tổ nhóm, câu lạc bộ phụ nữ; tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử khi bị bạo hành; thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua người có uy tín, hay qua tọa đàm, đối thoại, mạng xã hội...
Với sự đa dạng về cách thức, nội dung tuyên truyền để hướng tới xóa bỏ định kiến giới, BLGĐ trong vùng đồng bào DTTS, Hội LHPN tỉnh đã khẳng định được sự nỗ lực, vai trò, trách nhiệm là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Qua đó, tạo mọi điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.
Lê Thi