Đến Trung tâm Y tế Ninh Sơn vào một ngày đầu tuần, chúng tôi ghi nhận có nhiều người dân đến đăng ký khám bệnh. Bà N.T.H, người dân đến khám bệnh cho biết: Tôi có tiền sử bệnh tim mạch. Trước đây mỗi lần thấy trong người không khỏe tôi đều đến cơ sở y tế tư nhân ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm để kiểm tra sức khỏe. Những năm gần đây, tôi đến Trung tâm Y tế huyện để khám, lấy thuốc điều trị. Bác sĩ ở đây rất tận tình, chu đáo, các thiết bị máy móc được đầu tư khá hiện đại nên tôi rất yên tâm.
Với phương châm hết lòng vì người bệnh, Trung tâm Y tế Ninh Sơn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, cải thiện chất lượng dịch vụ, ngày càng tạo niếm tin với người dân. Năm 2024, Trung tâm tiếp nhận trên 57.400 lượt bệnh nhân đến khám bệnh; trong đó có 8.463 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, tăng 19.38% so với cùng kỳ; công suất sử dụng giường bệnh đạt 61%, tăng 26.08%.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thuận Nam khám, điều trị cho bệnh nhân nội trú. Ảnh: Ngọc Diệp
Xác định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết giúp mạng lưới YTCS nâng cao năng lực hoạt động, thời gian qua, ngành Y tế đã tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giúp đội ngũ công chức, viên chức nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ. Thông qua Dự án "Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ YTCS" vay vốn Ngân hàng Thế giới, ngành đã hỗ trợ đào tạo cho 650 lượt cán bộ y tế, 39 cô đỡ thôn bản, 234 nhân viên y tế thôn. Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ y tế tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới, đồng thời cùng chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao của HĐND tỉnh, năm 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức đào tạo lý thuyết, thực hành cho 43 cán bộ y tế của các Trung tâm Y tế huyện về các kỹ thuật chuyên sâu như sản khoa, nắn bó bột, nội khí quản, cấp cứu ban đầu… Các bác sĩ tuyến huyện cũng được luân phiên về trạm y tế xã để khám chữa bệnh cho người dân. Nhờ đó, góp phần quan trọng giải quyết được bài toán “thiếu và yếu”, từng bước nâng cao chất lượng nhân lực YTCS. Hiện YTCS (gồm tuyến huyện và xã) có 1.189 cán bộ, nhân viên, trong đó có 185 bác sĩ, 123 dược sĩ, 269 điều dưỡng, 227 y sĩ, 123 nữ hộ sinh, 43 kỹ thuật viên… Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 22/7/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ tuyến cơ sở và chuyên ngành hiếm, Sở Y tế đã tham mưu để năm 2025 cho 53 viên chức được đào tạo liên thông bác sĩ.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế được quan tâm thực hiện. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã xây mới, nâng cấp 17 trạm y tế xã, 5 Trung tâm Y tế huyện với tổng kinh phí hơn 63,5 tỷ đồng; cung cấp thiết bị cho 7 Trung tâm Y tế, 59 trạm y tế với tổng giá trị hơn 16 tỷ đồng. Ngoài ra, từ kinh phí Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, vừa qua tỉnh đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước và huyện Bác Ái. Nhìn chung, các Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại; đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện Ninh Phước có đủ thiết bị cho các phẫu thuật theo phân tuyến chuyên môn như máy gây mê, hệ thống mổ nội soi và các dụng cụ phẫu thuật tổng quát, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu.
Bộ máy, tổ chức YTCS ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ đầu năm 2023, các Trung tâm Y tế huyện đã được chuyển giao quản lý về UBND cấp huyện. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, hiện toàn tỉnh có 7 Trung tâm Y tế huyện và thành phố, 1 phòng khám Đa khoa khu vực Tháp Chàm, 57 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Đồng chí Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc nâng cao năng lực YTCS, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được ngành Y tế xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Mục tiêu của ngành là phấn đấu đến năm 2030, có trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu được bảo hiểm chi trả. Có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; mỗi trạm y tế xã có ít nhất một bác sĩ biên chế; trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục kỹ thuật tuyến xã. Các Trung tâm y tế huyện (có giường bệnh) thực hiện trên 80% danh mục kỹ thuật tuyến huyện. Ngoài ra, 100% thôn có nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng lực hoạt động, khám, điều trị cho các Trung tâm Y tế và trạm y tế xã. Bảo đảm 100% trạm y tế có bác sĩ, nhân viên y tế đủ tiêu chuẩn chuyên môn và được hưởng các chính sách đãi ngộ, tiền lương, phụ cấp theo quy định.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy YTCS, đảm bảo mỗi thôn có một nhân viên y tế, mỗi xã có một trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa. Ngoài ra, ngành khuyến khích y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ YTCS, kết nối với hệ thống y tế công lập. Phát triển mô hình bác sĩ gia đình, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho người dân tại vùng khó khăn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và kết nối với hệ thống y tế tuyến trên… góp phần nâng cao chất lượng YTCS, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt ở vùng khó khăn.
Uyên Thu