Xã Phước Trung là địa phương có số lượng đàn gia súc lớn nhất huyện Bác Ái với tổng đàn gần 23.000 con; trong đó, đàn trâu, bò trên 2.800 con; đàn dê, cừu trên 10.800 con. Để chủ động bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn che chắn chuồng trại; đồng thời, phân loại gia súc để có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng riêng. Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, nên ý thức của người dân trong phòng, chống đói cho gia súc đã được nâng lên. Gia đình chị Patâu Axá Thị Nhuynh ở thôn Rã Giữa có 8 con bò sinh sản, do tập quán chăn thả ngoài tự nhiên, lúc thì thả ở gần các con suối, có lúc thì thả ở rẫy gần núi để đàn gia súc dễ tìm thức ăn nên chị không quan tâm đến việc làm chuồng cố định cho đàn bò. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, chị đã đưa đàn bò trên núi về và làm chuồng có mái che cố định trong rẫy gần nhà để thuận tiện chăm sóc. Bên cạnh đó gia đình chị còn trồng gần 1 sào cỏ voi để đảm bảo thức ăn tươi cho đàn bò, nhờ đó mặc dù hiện nay đang trong mùa mưa nhưng đàn gia súc vẫn có đủ nguồn thức ăn và được giữ ấm. Chị Nhuynh, cho biết: Nhờ xã vận động bà con làm chuồng trại cố định và dự trữ thức ăn trong mùa mưa nên đàn bò của gia đình tôi phát triển bình thường, đã tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Cũng như gia đình chị Nhuynh, bước vào mùa mưa năm nay, gia đình chị Chamaléa Thị Ngọc ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính đã chủ động làm chuồng trong rẫy của gia đình để thuận tiện chăm sóc 29 con cừu sinh sản của gia đình. Nhờ đó mặc dù hiện nay đang trong mùa mưa nhưng đàn cừu của gia đình chị vẫn có đủ nguồn thức ăn và được giữ ấm. Chị Ngọc, chia sẻ: Vừa rồi gia đình tôi và nhiều hộ chăn nuôi bò, cừu trong xã đã tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, bên cạnh đó thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và bổ sung các loại thức ăn tươi, khô, đá liếm bổ sung khoáng để đàn gia súc phát triển ổn định.
Người dân huyện Bác Ái chủ động làm chuồng trại và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa mưa.
Để thúc đẩy chăn nuôi gia súc phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Bác Ái đã chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển từ tập quán chăn thả sang chăn nuôi theo hướng trang trại và bán công nghiệp, vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ, hoa màu để chủ động nguồn thức ăn. Đồng thời, cải tạo giống thông qua các đề án bò đực giống lai Sind, áp dụng mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi gia súc”; khuyến khích người dân đầu tư phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi vừa và nhỏ. Nhờ đó đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc chuyển từ chăn thả tự nhiên sang bán chăn thả và nuôi nhốt dần trở nên phổ biến, việc chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho gia súc được hộ chăn nuôi chú trọng hơn. Hiện nay tổng đàn gia súc đã phát triển đàn gia súc trên 94.000 con, trong đó: Trâu, bò 25.974 con; dê, cừu 18.890 con; heo 49.532 con. Địa phương đã vận động người dân trồng trên 200ha cỏ chăn nuôi.
Với sự vận động, tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền các địa phương và ngành chức năng của huyện Bác Ái đã giúp người dân chủ động trong việc dự trữ nguồn thức ăn, cách che chắn chuồng trại và tiêm phòng để bảo vệ đàn gia súc trong mùa mưa, qua đó góp phần bảo vệ đàn gia súc không bị hao hụt, phát sinh dịch bệnh.
Kha Hân