Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy, học, quản trị nhà trường, những năm học gần đây, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) và đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu.

Năm học 2020-2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh khiến nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung phải cho học sinh (HS) tạm dừng đến trường trong thời gian dài. Để thực hiện được mục tiêu “Tạm dừng đến trường, không tạm dừng việc học”, cùng với cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Phủ Hà 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), cô giáo Võ Thị Minh Hiền “tập tành” ứng dụng CNTT để dạy học trực tuyến. Những năm học tiếp theo, nhất là từ năm học 2023-2024 đến nay, nhờ được trang bị tivi thông minh, cô giáo Minh Hiền tiếp tục học hỏi, cập nhật công nghệ mới để xây dựng bài giảng điện tử tích hợp nhiều hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh, văn bản và các trò chơi học tập... để hỗ trợ việc giảng dạy. Cách làm này giúp cô giáo Minh Hiền tạo nên những tiết dạy sinh động, dễ hiểu, thu hút HS tham gia học tập. Em Nguyễn Hoàng Khánh Linh, HS lớp 4C, Trường Tiểu học Phủ Hà 2, chia sẻ: Em và các bạn thích được tham gia các tiết học cô giáo Minh Hiền ứng dụng CNTT. Bởi thông qua các bài giảng điện tử, chúng em được xem nhiều video, hình ảnh minh họa trực quan sinh động, dễ nhớ. Cô giáo còn lồng ghép tổ chức các trò chơi học tập thú vị, bổ ích nên cả lớp rất hào hứng và nhớ bài.

Cô và trò Trường Tiểu học Phủ Hà 2 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) ứng dụng công nghệ thông tin
nâng cao chất lượng dạy học.

Cô giáo Võ Thị Minh Hiền, chia sẻ: Từ kinh nghiệm dạy học trực tuyến, tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng CNTT và học hỏi từ đồng nghiệp, những năm học gần đây, tôi tích cực tìm tòi, nghiên cứu xây dựng bài giảng điện tử bám sát mục tiêu học tập, phục vụ việc dạy học ở tất cả các môn. Việc làm này tuy tốn nhiều thời gian, công sức, song hiệu quả mang lại rất thiết thực. CNTT giúp bài giảng trở nên sinh động. Các hình ảnh trực quan, trò chơi học tập giúp HS yêu thích việc học, tiếp thu bài nhanh, khắc sâu kiến thức và vận dụng tốt hơn. Nội dung bài giảng điện tử chiếu trên màn hình tivi giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian viết bảng, làm đồ dùng dạy học, do đó bao quát lớp tốt hơn, dành được nhiều thời gian cho những HS tiếp thu bài còn chậm. Mặt khác, các bài giảng điện tử được thiết kế trên máy vi tính nên dễ dàng chỉnh sửa, cập nhật thông tin đảm bảo phù hợp, hấp dẫn và hiệu quả. Ngoài dạy học, tôi còn ứng dụng CNTT trong công tác chủ nhiệm, tăng cường phối hợp với phụ huynh, quản lý HS...

Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phủ Hà 2, cho biết: Để phục vụ tốt nhất cho công tác dạy, học và quản lý giáo dục, nhà trường đã trang bị hệ thống internet tốc độ cao, đảm bảo kết nối ổn định và nhanh chóng cho toàn bộ khuôn viên trường. Cùng với đó, nhà trường được thành phố trang bị 20 máy vi tính cho phòng tin học, đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Máy vi tính các phòng làm việc được sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo sử dụng tốt các phần mềm. Các phòng học đều có tivi thông minh, hỗ trợ giáo viên trong trình chiếu bài giảng và các tài liệu học tập trực quan. Các phòng tin học, mỹ thuật, tiếng Anh được trang bị bảng tương tác thông minh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy, học. Hiện nay, việc ứng dụng CNTT, CĐS được nhà trường triển khai đồng bộ trên nhiều mặt, bao gồm công tác quản trị nhà trường, dạy học, tuyển sinh đầu cấp, thanh toán không dùng tiền mặt... Việc ứng dụng CNTT, CĐS giúp việc quản lý thông tin HS và giáo viên trở nên dễ dàng, hiệu quả; giảm hồ sơ, sổ sách in giấy; nâng cao chất lượng dạy, học; giúp HS phát triển kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo. Năm học vừa qua, HS nhà trường đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì và 2 giải khuyến khích trong Hội thi Tin học trẻ tỉnh Ninh Thuận lần thứ 21 năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Thế Quang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dạy và học, Sở GD&ĐT, cho biết: Hiện nay, hoạt động CĐS của ngành GD&ĐT được tập trung triển khai thực hiện trên Hệ chương trình quản lý giáo dục Ninh Thuận, với 10 module đã được phát triển. Hệ chương trình hướng đến mục tiêu: Quản lý cấp sở, phòng GD&ĐT; quản lý của hiệu trưởng; quản lý của giáo viên; sự tham gia của cha mẹ HS trên nền tảng app mobile. Ngành cũng đã hoàn tất việc cập nhật dữ liệu và thường xuyên cập nhật, bổ sung dữ liệu trong Hệ chương trình quản lý giáo dục Ninh Thuận, tiến hành đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT; đã triển khai thí điểm thành công học bạ số ở cấp tiểu học và đang tiếp tục thực hiện thí điểm học bạ số ở cấp trung học. Kỹ năng ứng dụng CNTT, CĐS của cán bộ, giáo viên trong quản lý và dạy học không ngừng được nâng lên... Tuy còn khó khăn, hạn chế, song các giải pháp và bước đi của ngành trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT, CĐS lĩnh vực GD&ĐT đang đi đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo nhiệm vụ chính trị được giao. Thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với lĩnh vực được ưu tiên trong CĐS.