Quan tâm giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ đưa lao động (LĐ) người dân tộc thiểu số (DTTS) đi làm việc ở nước ngoài... là những giải pháp “căn cơ”, góp phần giải quyết việc làm cho người LĐ DTTS, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.

Sau 3 năm làm việc ở Ả Rập Xê-út, chị Pur Pur Thị Lem ở thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành (Bác Ái) đã có tiền trả nợ, xây dựng được một căn nhà khang trang, mua được cặp bò và tích lũy được ít vốn đầu tư sản xuất. Chị Lem tâm sự: Nhà cửa dột nát, mất mùa liên tục, nợ nần túng thiếu... Khó khăn chồng chất nên năm 2019, tôi quyết định tham gia xuất khẩu LĐ. Mặc dù rất lo lắng bởi môi trường, công việc mới, nhưng với sự động viên, hỗ trợ của các cấp tôi có thêm kiến thức, kỹ năng trên hành trang làm việc ở xứ người. Thấy được hiệu quả của việc đi LĐ ở nước ngoài nên nhiều gia đình đã khuyến khích con em mình tham gia. Đơn cử như gia đình bà Katơr Thị Thanh, thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại (Bác Ái) đã động viên cả 3 người con tham gia làm việc ở nước ngoài và đều xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống đầy đủ hơn.

Lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số.

Đi làm việc ở nước ngoài là con đường ngắn nhất giúp LĐ DTTS tạo dựng cuộc sống mới. Để giúp người dân từng bước thay đổi tư duy, tích cực tham gia đi làm việc nước ngoài các cấp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền; tổ chức cập nhật, phân tích, dự báo thị trường LĐ để có những định hướng đúng cho việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xuất khẩu LĐ đối với người DTTS, các LĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục, hồ sơ, vay vốn cho người tham gia LĐ ở nước ngoài theo hợp đồng. Ông Trần Quý Dương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Bác Ái cho biết: Để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận, phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho đối tượng học sinh vừa tốt nghiệp THPT. Vì đây là nhóm LĐ trẻ có nền tảng kiến thức cơ bản, dễ dàng tiếp cận ngôn ngữ, đáp ứng tiêu chí đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn nêu ra những trường hợp cụ thể đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định nhờ đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, giúp người dân hiểu rõ hơn về những chính sách ưu đãi khi đi làm việc nước ngoài, từ đó chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, chủ động học ngoại ngữ, với mong muốn có môi trường làm việc tốt, mức thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2022 đến nay có 32 người DTTS đi nước ngoài làm việc, riêng huyện Bác Ái trong năm 2023 đã có 10 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, thị trường chủ yếu là Ả Rập Xê-út.

Cùng với việc đưa người LĐ DTTS đi nước ngoài làm việc, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cũng giúp người dân vùng khó khăn có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học để tìm được nhiều công việc phù hợp, có thu nhập ổn định hơn. Là một trong những người đầu tiên được đào tạo nghề may công nghiệp ở địa phương, chị Patâu Axá Thị Taxi, thôn Suối Đá, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) giờ đã có công việc ổn định tại Khu công nghiệp Du Long. Chị Taxi chia sẻ: Trước đây làm nông theo thời vụ nên thu nhập không đáng kể. Sau 3 tháng học nghề may, tôi được tuyển dụng vào làm việc tại Khu công nghiệp Du Long. Ngoài thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng thì đi làm ở công ty còn có bảo hiểm xã hội, lại được ở gần gia đình nên tôi rất phấn khởi, cố gắng làm để thoát nghèo...

Lớp đào tạo nghề may cho lao động nông thôn,
lao động dân tộc thiểu số. Ảnh: Mỹ Dung

Để thu hút người LĐ tích cực, chủ động tham gia học nghề, các cấp chính quyền địa phương tích cực khảo sát nhu cầu, mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 10.994 người, đạt 115,73%. Sau quá trình nỗ lực đào tạo nghề, liên kết các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, công tác giải quyết việc làm cho LĐ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Trong năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 18.084 LĐ đạt 113,04% chỉ tiêu; đưa 171 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 114% chỉ tiêu, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, LĐ vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đổi mới công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các giải pháp đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các DN trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Các ngành, địa phương tiến hành rà soát nhu cầu của người LĐ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn “vùng khó” tham gia học nghề; xây dựng các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm... góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.