Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024

Chiều 9/10, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Ninh Thuận tổ chức phiên họp đánh giá kết quả hoạt động 9 tháng năm 2024 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận chủ trì phiên họp.

Trong 9 năm 2024, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Thuận đã bám sát định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết của HĐQT để chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tổng doanh số cho vay trên 891 tỷ đồng, với hơn 20.790 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tăng 55 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 3.776 tỷ đồng, tăng hơn 286 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 92% tỷ lệ tăng trưởng. Hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn, thu hồi, xử lý nợ được tăng cường.

 

Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban đại diện HĐQT các cấp, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung phối hợp thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2024. Tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH tỉnh đến năm 2030 và các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng CSXH; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH nhằm tăng thêm nguồn lực cho vay. Đẩy mạnh huy động nguồn vốn từ tổ chức và cá nhân; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn cho vay; tập trung rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo quy định để các đối tượng thụ hưởng kịp thời tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi; thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát cũng như các giải pháp thu hồi, giảm nợ quá hạn. Quan tâm triển khai, cài đặt và sử dụng phần mềm Quản lý tín dụng chính sách; các cơ quan truyền thông tăng cường phối hợp tuyên truyền mục đích, ý nghĩa vốn tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh.