Tăng cường kiểm soát, bình ổn thị trường cuối năm

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, nhằm đảm bảo sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Sở Công Thương, hoạt động thương mại và dịch vụ năm 2023 trên địa bàn tỉnh tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 đạt 38.000 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm trước. Tình hình hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ trong năm trên địa bàn tiếp tục tăng. Lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, đa dạng, phong phú, nhiều chủng loại đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của dân cư tác động đến sức mua tăng. Giá cả hàng hóa và dịch vụ cơ bản được kiểm soát, không có hiện tượng tăng giá đột biến, bất thường. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sức mua thường tăng cao hơn so với bình thường từ 20-30%. Vì vậy, việc nắm bắt nhu cầu thị trường và chuẩn bị hàng hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu người dân cả số lượng và chất lượng là giải pháp quan trọng giúp ổn định thị trường hàng hóa. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, đồng thời đảm bảo kiểm soát giá cả hàng hóa, bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã chủ động lên kế hoạch, xây dựng phương án cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, đội giá.

Siêu thị Co.opmart Thanh Hà bảo đảm nguồn hàng phục vụ người dân mua
sắm trong dịp Tết. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4311/KH-UBND về Chương trình bình ổn thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh cũng tạm ứng ngân sách 16 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và của UBND tỉnh về công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp theo thẩm quyền. Chủ động tháo gỡ, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đặc biệt trong các dịp lễ, Tết cuối năm, mùa du lịch. Thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, chế biến để cân đối cung cầu, ổn định thị trường đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ cuối năm và tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá, niêm yết giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công, triển khai lộ trình thị trường, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định, đảm bảo ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh. Hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống nhân dân; đồng thời tăng cường công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định.

Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Anh Thi

Các đơn vị đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, chủ động khai thác thực hiện dự trữ hàng hóa theo kế hoạch đã đăng ký; đề xuất danh sách các điểm bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng bình ổn theo yêu cầu điều phối của Sở Công Thương; thực hiện treo bảng, biển nhận diện tại điểm bán bình ổn. Thông báo giá bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn và thời gian áp dụng giá bình ổn gửi về Sở Tài chính và Sở Công Thương cập nhật theo dõi; thực hiện nghiêm túc giá bán và thời gian áp dụng giá bán bình ổn giá theo thông báo. Hàng hóa tham gia bình ổn phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, có nhãn mác và giá bán ổn định; nguồn cung ổn định đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của người dân kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trên thị trường. Đưa hàng hóa tham gia bình ổn đến tất cả các điểm bán đã đăng ký, phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu tại các huyện vùng sâu, vùng xa; niêm yết giá các mặt hàng đã đăng ký tham gia bình ổn giá.