Chăn nuôi bò giúp nông dân Phước Thành tăng thu nhập

Tận dụng lợi thế của địa phương về diện tích đồng cỏ rộng, những năm qua, nông dân xã Phước Thành (Bác Ái) đã đưa nhiều giống bò thịt vào chăn nuôi, trở thành hướng phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định.

Gia đình anh Pi Năng Quốc ở thôn Đá Ba Cái bắt đầu chăn nuôi bò từ năm 2020. Những năm đầu, anh chỉ chăn nuôi dựa vào kinh nghiệm, với số lượng nhỏ nên hiệu quả không cao. Bắt đầu từ năm 2022, anh chú trọng vào nguồn thức ăn, cách phòng, chống dịch bệnh, cũng như tăng số lượng đàn bò nên lợi nhuận cũng từ đó tăng lên. Hiện tại, gia đình anh luôn duy trì từ 5 đến 7 con bò, mỗi năm xuất bán 2 lứa bò thịt, sau khi trừ chi phí lãi hơn 35 triệu đồng. Anh Quốc chia sẻ: So với các loại vật nuôi khác, chăn nuôi bò có nhiều ưu điểm bởi việc chăm sóc tương đối dễ, bò có sức đề kháng cao, ít bệnh nên ít rủi ro, giá bán lại ổn định. Nhờ học hỏi kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông xã và bác sĩ thú y, các khâu như tiêm vắc-xin phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại... được gia đình áp dụng thường xuyên, nhờ đó giúp đàn bò phát triển ổn định.

Đồng bào Raglai thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành chăm sóc đàn bò.

Với nguồn thu nhập ổn định, từ nhiều năm nay, gia đình ông Pi Năng Cung ở cùng thôn cũng luôn duy trì chăn nuôi từ 8 đến 10 con bò. Ông Cung cho biết: Trước đây, làm rẫy nguồn thu nhập không ổn định, được chính quyền địa phương vận động nên tôi quyết định nuôi bò thịt. Ban đầu, do chưa có nhiều vốn và kinh nghiệm nên chỉ nuôi 2 con, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, hằng năm sau khi bán bò thịt, tôi tích góp vốn để tăng đàn. Với nguồn thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/năm, gia đình có thêm chi phí để trang trải cuộc sống hằng ngày. Hiện tại, tôi đang trồng thêm cỏ để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho đàn bò, nhất là vào mùa khô.

Đồng chí Trương Công Huân, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành cho biết: Vài năm trở lại đây, chăn nuôi bò được bà con trên địa bàn xã chú trọng. Qua tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, phòng bệnh, bà con đã biết cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Nhiều hộ dân còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn cho đàn bò. Nhờ đó, đến nay tổng đàn bò trên địa bàn xã lên tới 3.500 con, lợi nhuận từ chăn nuôi bò tương đối ổn định, góp phần rất lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Trong thời gian tới, để tạo điều kiện cho các hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện chăn nuôi, xã sẽ tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các nguồn vốn chính sách để vay vốn, nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả.