Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

Bài 1: Trao “cần câu” giúp người nghèo vươn lên

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới từ 1,5-2%/năm; tăng cường hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến năm 2025 giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tăng 2 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 3%/năm.

Bám sát nghị quyết đại hội, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã và đang huy động nguồn lực của toàn xã hội trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện nhiều mô hình làm ăn kinh tế phù hợp. Điển hình như dự án trồng măng tây xanh Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh liên kết với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú thực hiện tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) vào năm 2019. Dự án có 24 hộ tham gia, trong đó có 11 hộ nghèo, cận nghèo và 13 hộ khó khăn, với tổng nguồn kinh phí gần 400 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương MTTQ Việt Nam. Mỗi hộ tham gia dự án nhận được 15 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, HTX đầu tư cho bà con mua nợ giống rồi trừ dần khi thu hoạch và hỗ trợ kỹ thuật. Đến nay, các hộ đang sản xuất trên diện tích 2,5ha và đang thu hoạch, trung bình mỗi ngày một hộ thu hoạch được 10kg/sào măng tây xanh. Trước đây, do thiếu vốn và việc trồng hoa màu kém hiệu quả, cuộc sống của anh Từ Công Trăng gặp nhiều khó khăn. Tham gia dự án trồng măng tây xanh trên diện tích 3 sào, mỗi ngày thu hoạch 10kg, với giá thu mua tại HTX 50.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, anh Trăng thu lợi nhuận hơn 7 triệu đồng mỗi sào mỗi tháng. Nhờ đó, anh đã trả hết nợ dự án, thoát nghèo và có điều kiện tốt hơn để lo cho con cái học hành. Ông Từ Văn Hay, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết: Thông qua mô hình giúp 24 hộ nghèo, cận nghèo có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2021. Đến nay, dự án đang xoay vòng hỗ trợ cho 10 hộ có thêm điều kiện mở rộng sản xuất.

Phân loại măng tây xanh tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước).
Ảnh: Mỹ Dung

Từ thành công của dự án trồng măng tây xanh Hà Lan kết hợp tưới nước tiết kiệm tại thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước), Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với UBND tỉnh triển khai chương trình mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng 1 mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2023-2025. Qua đó huy động nhiều nguồn lực, nhiều mô hình sinh kế giúp cho người dân có cơ hội, điều kiện vươn lên thoát nghèo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Chung niềm vui thoát nghèo khi tham gia các mô hình sinh kế, anh Nguyễn Đình Hạo, thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) chia sẻ: Năm 2023, tôi được hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ nguồn vốn của dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Nhờ cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên bò phát triển tốt và đã sinh sản được 1 bê con. Đây là cơ sở để tôi tiếp tục nhân đàn, phát triển kinh tế, thoát nghèo thành công.

Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn đối ứng từ người dân, Mặt trận các cấp mở rộng đối tượng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng vận động các tổ chức tôn giáo nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo. Sau một năm triển khai, mô hình “Phát huy nguồn lực tôn giáo tham gia nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo” của các tổ chức tôn giáo đã phát huy hiệu quả, bằng nhiều hình thức hỗ trợ như: Hỗ trợ con giống, vật nuôi, hỗ trợ vốn sinh kế,... giúp đỡ các hộ nghèo có cuộc sống ổn định hơn.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được xem là giải pháp quan trọng, giúp khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên. Qua một năm triển khai mô hình sinh kế thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2023-2025, đến nay, toàn tỉnh có 62/65 xã, phường, thị trấn xây dựng được 71 mô hình sinh kế với tổng kinh phí hơn 47,6 tỷ đồng. Các mô hình thực hiện theo nhu cầu thực tế và phù hợp với thế mạnh của địa phương, như: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có các mô hình buôn bán nhỏ, thu mua phế liệu; huyện Ninh Hải có các mô hình hỗ trợ ngư lưới cụ; các huyện miền núi gồm: Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc phát triển hiệu quả mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi cừu sinh sản, nuôi dê sinh sản, trồng lúa nước, trồng tre lấy măng... Có thể nói những “cần câu” không chỉ mang lại thu nhập mà còn góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng sạch đẹp, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên. Đáng mừng qua các dự án hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, người dân tiếp cận các “điều kiện cần” dần thay đổi nhận thức, biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mô hình trồng tre lấy măng của nông dân xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: CTV

Đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương đa dạng mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn dần ổn định cuộc sống. Từ những mô hình sinh kế đã từng bước giúp người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và những hộ có hoàn cảnh khó khăn thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, phát huy tính tự chủ vươn lên thoát nghèo bền vững. Để các mô hình sinh kế đạt hiệu quả bền vững, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về ý nghĩa của các mô hình, phát huy hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ để tăng thu nhập. Tiếp tục tổ chức sản xuất mô hình phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương; nhu cầu của người dân, nhân rộng những mô hình, cách làm hay nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra theo Kế hoạch phối hợp giữa UBND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về triển khai mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng 1 mô hình sinh kế, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025.

Nhờ linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, vừa tiếp sức, vừa khơi dậy ý chí để người dân phát huy nội lực, chủ động vươn lên góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2023 xuống còn 4,21% (tương đương 7.874 hộ) và tỷ lệ hộ cận nghèo xuống 4,61% (8.620 hộ).

---------------------------------------
Bài 2: Mái ấm cho người nghèo