Phát huy vai trò “hạt nhân đoàn kết” ở khu dân cư

Tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là một trong 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019-2024.

Chính vì vậy, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xác định đúng vai trò, vị trí Ban CTMT là “hạt nhân đoàn kết”, “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền trong triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua ở địa phương.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 397 Ban CTMT với 2.779 thành viên; trong đó có 351 Trưởng ban CTMT chuyên trách và 46 Trưởng ban CTMT do bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn, khu phố kiêm nhiệm. Để các phong trào thi đua yêu nước đi vào cuộc sống, Ban CTMT các KDC thời gian qua đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và đề ra nhiệm vụ cụ thể để triển khai. Cán bộ Mặt trận trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và các phong trào, cuộc vận động do các ngành, đoàn thể phát động. Thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân với cấp ủy chi bộ thôn, khu phố và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; tham gia vào Ban giám sát đầu tư ở cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, nhóm nòng cốt ở KDC. Tổ chức giám sát và động viên nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức theo Hiến pháp, Điều lệ MTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của trung ương, của địa phương. Phối hợp với Ban quản lý thôn, khu phố, các chi hội đoàn thể tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và thực hiện quy chế dân chủ, hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Ninh Phước trao nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Ảnh: T.M

Qua hoạt động, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng, tiêu biểu như: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có mô hình “KDC sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh”; Thuận Nam có mô hình “Nghe dân nói, nói dân nghe”; Ninh Sơn có mô hình “Lấy sức dân để hỗ trợ cho dân” trong giúp nhau xóa đói giảm nghèo; Bác Ái có mô hình “Nếp sống văn minh trong cưới, lễ hội, xóa bỏ phong tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”... Nhiều mô hình được nhân rộng đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, vượt qua khó khăn, phát huy dân chủ và nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Không những thế, MTTQ các cấp còn là “kênh” kết nối công tác từ thiện, xã hội, chăm lo cho người nghèo hết sức hiệu quả với việc trao tặng 734 công trình dân sinh, 4.238 nhà đại đoàn kết và hàng nghìn suất quà tổng trị giá hàng chục tỷ đồng được chuyển tận tay các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội trong toàn tỉnh.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phụ những hạn chế còn tồn tại, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định. Một trong những giải pháp hàng đầu là tăng cường vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của cấp ủy đảng mà trực tiếp là chi ủy chi bộ thôn, khu phố đối với công tác Mặt trận và hoạt động của Ban CTMT cơ sở. Trong đó, cần tranh thủ và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ đối với công tác Mặt trận, tạo điều kiện để phát huy và nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và nhân dân, tạo điều kiện cho Mặt trận chủ động làm tốt hơn vai trò trung tâm, là cầu nối vững chắc để đưa “ý Đảng” vào “lòng dân”, đưa các phong trào thi đua, các hoạt động của Mặt trận tới nhân dân. Chủ động nắm chắc tình hình nhân dân ở KDC, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn bức xúc trong nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ; thường xuyên “gần dân, sát dân, hiểu dân, trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin” tạo nên sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, tăng cường đoàn kết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân theo phương châm “Lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân, lấy đoàn kết để phát huy sức mạnh của mọi tổ chức và cá nhân”. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, tình hình mới cho cán bộ Mặt trận; xây dựng và nhân rộng những mô hình, cách làm hay, những điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực, nhằm đưa hoạt động của Ban CTMT ở KDC ngày càng hiệu quả, thiết thực, động viên cán bộ Mặt trận phát huy vai trò “hạt nhân đoàn kết”, thu hút, tập hợp sức mạnh toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh ngày càng vững chắc.