Kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19

Thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh đã nhanh chóng triển khai, hướng dẫn các đối tượng hoàn thành quy trình thủ tục, kịp thời thụ hưởng chính sách hỗ trợ, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Có, ở khu phố 8, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) làm nghề bán vé số dạo nhiều năm nay. Từ khi tỉnh chỉ đạo tạm ngưng hoạt động đối với một số ngành nghề, trong đó có bán vé số dạo nhằm tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, gần 2 tháng qua, bà Có rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn. Vừa qua, được khu phố thông báo mình thuộc diện đối tượng được hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bà Có rất phấn khởi, hoàn thành nhanh các thủ tục và đã nhận tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Bà chia sẻ: Số tiền tuy không lớn nhưng trong lúc khó khăn cũng là rất quý, bởi còn có rất nhiều trường hợp cũng gặp hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi. Số tiền không những phần nào giúp gia đình tôi có thêm điều kiện mua lương thực, thực phẩm, mà ý nghĩa hơn đó là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân.

Cán bộ UBND thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) trao tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ảnh: H.Nguyệt

Ghi nhận hơn cả là trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, các cấp, các ngành đã sâu sát tình hình thực tế, nắm rõ đời sống Nhân dân, từ đó tham mưu, kiến nghị với tỉnh bổ sung kịp thời các nhóm đối tượng thực sự khó khăn, chính đáng cần sự hỗ trợ của Nhà nước thể hiện tình thần trách nhiệm, sự thấu hiểu, sẻ chia, quan tâm, tạo thêm niềm tin, phấn khởi cho Nhân dân. Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ lao động tự do, ngoài 5 nhóm đối tượng được quy định theo kế hoạch ban đầu, ngày 6-8, UBND tỉnh đã ký quyết định bổ sung thêm 8 nhóm đối tượng: Người bán vé số lưu động, người bán hàng rong không có địa điểm cố định, người chạy xe ôm, thợ cắt tóc... Ngày 1-9, UBND tỉnh tiếp tục bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng: Lao động tự do làm việc tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, tư nhân dừng hoạt động kể từ ngày 20-7, với điều kiện công trình có giấy phép xây dựng và lao động tự do tại các cơ sở dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ không có giấy đăng ký kinh doanh tại 2 địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước, hoặc khu vực phong tỏa phòng, chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 9-9, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm mức đóng bằng 0% quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 16.975 lao động, với tổng số tiền tạm tính trong 12 tháng (từ ngày 1-7-2021 đến 30-6-2022) gần 4,9 tỷ đồng. Giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 2 đơn vị với 1.479 lao động, với tổng số tiền được giảm của 6 tháng (từ 8-2021 đến 1-2022) trên 1,3 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 3.790 đối tượng: Lao động tạm hoãn hợp đồng, mang thai, nuôi con nhỏ, lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người bị nhiễm COVID-19, người cách ly y tế tập trung (F1)..., với tổng số tiền gần 11,2 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân hơn 360 triệu đồng cho 5 doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc cho người lao động... Riêng đối với nhóm lao động tự do, các huyện, thành phố đã thẩm định, phê duyệt chi hỗ trợ cho 13.863 lao động, với tổng số tiền gần 21 tỷ đồng.

Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là địa phương có số đối tượng thụ hưởng nhiều nhất cả tỉnh, cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả việc chi trả chế độ chính sách cho người dân. Đến nay, thành phố đã chi trả cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Trong đó, riêng nhóm lao động tự do có 8.661 người với số tiền gần 13 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Hiện nay thành phố đang tích cực triển khai, hướng dẫn các xã, phường thực hiện các thủ tục để thực hiện chi trả chế độ chính sách đối với 2 nhóm đối tượng bổ sung là lao động tự do làm việc tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, tư nhân, lao động tự do làm việc tại các cơ sở dịch vụ ăn uống theo Quyết định số 1658/QĐ-UBND ngày 1-9 của UBND tỉnh. Theo đánh giá sơ bộ, thành phố có khoảng 4.000 trường hợp thuộc các nhóm đối tương này. Mặc dù nguồn ngân sách rất khó khăn, tuy nhiên, địa phương cũng sẽ cố gắng để chi trả kịp thời.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho biết: Hiện các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện chi trả chế độ cho các nhóm đối tượng theo Quyết định số 1658/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Số lao động được thụ hưởng 2 nhóm đối tượng này ước tính rất lớn. Vì vậy, Sở yêu cầu các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện cần sâu sát, thẩm định kỹ, thực hiện đúng quy trình thủ tục; đồng thời báo cáo ngay những khó khăn, vướng mắc đề Sở kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ hiệu quả, để chính sách đến với người dân nhanh chóng, kịp thời, đồng thời bảo đảm đúng quy định, đối tượng.