Siết chặt quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động

Thực hiện Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2021 (tháng 5) với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”, các cấp. các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động trong cơ quan, đơn vị, DN.

Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh đưa tin, bài, phóng sự… cập nhật thông tin về các hoạt động liên quan đến ATVSLĐ, các cấp, các ngành còn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền với nhiều nội dung phong phú như: Cấp phát tranh, áp phích, tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về ATVSLĐ cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh lao động.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra được tăng cường. Trong Tháng hành động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành qua đó tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, ATVSLĐ và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 7 DN hoạt động trên lĩnh vực xây lắp, qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm; đoàn đã có 67 kiến nghị đề nghị DN khắc phục những sai phạm trong thực hiện chính sách pháp luật lao động, ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội; 34 kiến nghị về công tác phòng, chống dịch COVID-19, tập trung vào các nội dung: Thực hiện báo cáo định kỳ về ATVSLĐ; xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hằng năm; huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; đo kiểm tra môi trường lao động, thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; xây dựng kế hoạch, phương án xử lý tình huống khi đơn vị có người bị nhiễm dịch COVID-19; thực hiện quy định "5K"; xây dựng kế hoạch khử khuẩn định kỳ bàn ghế, dụng cụ làm việc, môi trường làm việc tại công ty…

Ngoài ra, trước Tháng hành động, Sở Công Thương cũng đã phối hợp tổ chức thanh tra trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp tại 3 DN và lĩnh vực khai thác khoáng sản 3 DN. Qua đó cũng đã phát hiện 1 DN sai phạm do có 37 hộ chiếu nổ mìn không lập theo mẫu hộ chiếu nổ mìn theo quy định, hướng dẫn của ngành chức năng. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 15.000.000 đồng.

Qua báo cáo của các cơ quan, đơn vị, DN, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn lao động, trong đó: 1 vụ chết người/1 người và 1 vụ bị thương nặng/1 người. Nguyên nhân bị tai nạn chết người do tai nạn giao thông trên đường đi từ nơi làm việc về nơi ở. Ngoài ra, có 1 trường hợp bị bệnh lao nghề nghiệp. Việc chăm lo, thăm hỏi các trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện tốt, qua đó động viên NLĐ, thân nhân, gia đình vượt qua khó khăn, mất mát vươn lên trong cuộc sống, công việc.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động năm 2021 còn hạn chế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy, ý thức trách nhiệm, kiến thức về ATVSLĐ của một số DN và NLĐ chưa cao…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ATVSLĐ, thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức cho tổ chức, cá nhân và toàn xã hội trong công tác ATVSLĐ. Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, phòng ngừa tai nạn lao động, nhất là các DN có nguy cơ cao về tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất, xây dựng. Cải thiện điều kiện lao động trong khu vực DN. Tăng cường công tác hướng dẫn các DN, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ, công tác kiểm tra và tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ, rủi ro về an toàn lao động và có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo an toàn trong sản xuất… Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về ATVSLĐ; giảm thiểu rủi ro mất ATVSLĐ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khỏe, tính mạng, tài sản của NLĐ, vì sự phát triển lâu dài của DN.