Gặp người Đức viết Biên niên sử Hồ Chí Minh

Ông là người Đức đầu tiên nghiên cứu sâu về Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ, viết về Hồ Chí Minh, về dân tộc Việt Nam với mong muốn, người Đức nói riêng và thế giới nói chung, sẽ luôn nhắc đến Việt Nam, đến Hồ Chí Minh. Ông là Hellmut Kapfenberger. Ông đã dành cho NNVN cuộc trò chuyện nhân dịp cuốn “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” được dịch sang tiếng Việt.

Xin ông cho biết cảm nhận của ông về người mà ông đã viết trong cuốn sách của mình?

Khi chưa sang Việt Nam, tôi thường tự hỏi, Hồ Chí Minh là ai, đã sống như thế nào. Rất tiếc, khi tôi sang Việt Nam lần đầu tiên là tháng 9/1970 thì Hồ Chí Minh đã ra đi một năm trước đó. Nhưng với tôi, Hồ Chí Minh đã trở thành một khái niệm.

Trước khi đến Việt Nam, năm 1965, với tư cách là một nhà báo, tôi đã quan tâm tới Việt Nam. Khi ấy, báo chí Đức ngập tràn những tin tức về Việt Nam, và tất nhiên, quan tâm tới Việt Nam thì phải quan tâm tới Hồ Chí Minh. Và vì thế, chỉ sau khi đặt chân đến miền Bắc Việt Nam vài hôm, tôi đã về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), để chứng kiến nơi Con Người vĩ đại ấy đã sinh ra và sống thời thơ ấu.

Tôi không tưởng tượng được, một Con Người vĩ đại như thế, được sinh ra ở một miền quê nghèo như thế. Có thể bạn còn trẻ, bạn không được chứng kiến nên không hiểu được, thời kỳ ấy. Nhưng chính bản thân tôi, khi đứng giữa vùng quê sinh ra Người, tôi đã hiểu, thế giới không có Hồ Chí Minh thứ hai, không có ai có thể giống được Người.

Vì sao ông đã viết cuốn sách về Hồ Chí Minh?

Năm 2008, NXB Verlag Neues Leben - Berlin đã đặt tôi viết về Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản này đã từng xuất bản nhiều cuốn sách về các chính khách của nhiều quốc gia, nhiều danh nhân trên thế giới… Khi viết về Hồ Chí Minh, tôi cảm nhận đây không chỉ là một chính khách bình thường, không chỉ là một danh nhân bình thường mà Người là lãnh tụ của một dân tộc, một anh hùng giải phóng dân tộc. Vì thế, khi NXB Verlag Neues Leben đề nghị tôi viết về Hồ Chí Minh, tôi đã hăm hở viết ngay.

Nhờ tích lũy những kiến thức về đất nước Việt Nam khi sang Việt Nam từ những năm 1970, nhờ tìm hiểu về Hồ Chí Minh từ trước, nên tôi viết mà không có khó khăn gì. Thậm chí, tôi đã nói, mình như có duyên với đất nước này khi được viết về Hồ Chí Minh, vì tôi đã yêu mến Con Người này, đất nước này từ lâu.


Hellmut Kapfenberger, năm nay 77 tuổi, là một tên tuổi lớn của báo chí Đức. Năm 1970 ông đến Việt Nam với tư cách là Phóng viên hãng Thông tấn Đức (ADN), báo Nước Đức mới. Cuốn “Hồ Chí Minh - Một biên niên sử” được xuất bản tại Đức năm 2009, gồm 25 chương nhỏ và một Biên niên sử tóm tắt về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách như một bộ phim tài liệu súc tích, khắc họa chân dung Hồ Chí Minh không chỉ ở góc độ một chiến sĩ Cộng sản, nhà yêu nước vĩ đại mà còn ở góc độ một con người mẫu mực, "tận thiện tận mỹ" về phẩm chất đạo đức cách mạng.
 

Cuốn sách của ông có cách gì hấp dẫn, khác một cuốn tiểu sử thông thường? Khi nghiên cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh, ông thấy tư liệu còn điều gì chưa được như ông mong muốn?

Trong quá trình viết sách, tôi luôn đặt các câu hỏi và trả lời để cuốn sách hấp dẫn, cách đặt vấn đề khác đi để đây không chỉ là một cuốn tiểu sử đơn thuần. Một điều tôi thấy tiếc khi nghiên cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh đó là quãng thời gian từ năm 1911 - khi Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm đường cứu nước cho đến khi trở về nước năm 1941, rất ít tư liệu đề cập sâu về cuộc đời Người thời gian này. Cá nhân tôi mong muốn các nhà nghiên cứu lịch sử, viết sử Việt Nam phải nghiên cứu sâu hơn nữa về quãng thời gian này.

Năm 2009, cuốn sách được xuất bản tại Berlin và năm 2010, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã gặp tôi xin phép dịch cuốn sách sang tiếng Việt. Đây là lần trở lại Việt Nam sau gần 20 năm của tôi. Tôi đã từng đến Việt Nam năm 1970 và sống và làm việc đến năm 1974. Sau đó, năm 1980 tôi lại sang Việt Nam làm việc đến năm 1984. Những tình cảm, sự hiểu biết về cuộc sống, đất nước, con người Việt Nam đã cho tôi cảm xúc để viết về Hồ Chí Minh.

Xin cám ơn ông!

(Theo Báo NNVNO)