(NTO) Nắng vàng quanh năm đã đi vào tâm thức của người quê hương Phan Rang như yếu tố tự nhiên, mặc nhiên một cách thân thương. Nhiều lúc, nắng là nỗi nhớ của những người quê hương đang ở xa…
Trong thơ Việt, ta thấy nắng không ít:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc dòng sông trắng nắng chang chang.
(Hàn Mặc Tử)
Riêng thơ ca trong tỉnh, rất nhiều bài thơ đã đưa nắng Phan Rang vào thành một tứ độc đáo. Có lẽ nắng Phan Rang đi vào tâm hồn các nhà thơ bằng một lối riêng biệt, không hề sao chép ai:
Sáng nay vác cuốc ra đồng,
Thấy em cõng nắng gieo dòng mạ xanh.
(Ngô Anh Thi)
Lại nữa, nắng gắn với quê hương, lịch sử. Ngày 16 tháng 4 năm 1975, Phan Rang được giải phóng. Từ đó đã có biết bao bài thơ, bản nhạc viết về ngày 16 tháng 4. Riêng tác giả Vương Phong, sau hơn ba mươi năm kể từ ngày ấy, đã viết về những nỗ lực, vươn lên của một vùng quê còn nghèo khó; và hình tượng “em”, hình ảnh “nắng” đã đi vào thơ của ông một cách dịu hiền, cảm động:
Phan Rang ơi! Biết mấy yêu thương,
Thương em gái quẩy nắng vàng xây phố,
(Vương Phong)
Với tác giả Tô Nghĩa, vốn là một người lính nhiều năm xa nhà, nắng trong anh là cả quê hương:
Dù đi hết cả cuộc đời
Tôi vẫn nhớ về chốn này nắng dội
Tuổi thơ tôi từng một thời ngóng đợi
Bến sông hiền vốc nắng đậu trên tay.
Để rồi:
Đường hành quân bập bềnh ba lô “cóc”
Lính xa nhà nhìn nắng thấy quê hương!
Và biết bao lời hay, ý đẹp về nắng đi vào thơ, nhạc ở Ninh Thuận. Bài thơ “Hạ nhớ” của tác giả Thái Sơn Ngọc có những tứ thơ thật hay, khác lạ, và cuối cùng Nhạc sĩ Bá Lân phổ thành ca khúc nổi tiếng với những ca từ xuất phát từ bài thơ: Nắng vẫn vàng và em vẫn Phan Rang. Thế đó, nắng của Phan Rang, nắng của quê hương chúng ta.
Đình Hy