(NTO) Lan! Xong chưa, khẩn trương lên hết nửa buổi rồi đấy!
Đang săm soi mấy quả cam nghe tiếng lớp trưởng giục, nhỏ Lan vội vã gửi tiền, xách túi cam ra xe.
- Bà đi mua cam hay trồng cam dzậy?
Chưa vừa lòng với mấy quả cam vừa mua được trong túi, giờ còn bị lớp trưởng này xỏ xiên. Được rồi đã thế bà sẽ cho biết tay.
- Ừ đi trồng cam đấy rồi sao? Mình mua thì phải cho đáng chứ. Với lại mua cam đi thăm người bệnh chứ để đánh Tenis à?
Không biết vì uất quá hay vì thương nhỏ Lan đang ca vọng cổ sắp đứt hơi mà lớp trưởng phải chen ngang.
- Biết rồi nhưng từ hồi nào tới giờ tui chưa từng chờ ai lâu thế mà lại ở ngoài chợ nữa, phải làm người giữ xe bất đắc dĩ (nghĩ một chút để lấy hơi rồi lớp trưởng tiếp tục). Người bệnh vị giác kém lắm mà, chọn ngon quá họ cũng đâu có biết được.
À ra thế, nghe lớp trưởng “giãi bày hoàn cảnh” nhỏ Lan cũng bớt gay gắt. Nhưng châm chọc luôn là vũ khí của cô.
- Lát nữa ông đừng ăn nha. Bộ chỉ có người bệnh mới biết ăn cam sao?
- Thăm bệnh hay là thăm bà. Đúng là …lớp bầu bà làm lớp phó đời sống chẳng sai tí nào.
Đúng lúc ấy những đứa còn lại cũng vừa đến nơi. Trên tay đứa nào cũng một túi xách. Nào sữa, nào đường lại có cả chai nước rửa chén và một gói ômô. Hành trình bắt đầu. Những chiếc xe đạp quay vòng bánh đều đều, tiếng cười nói rộn vang trên đường. Cánh con trai có lẽ mệt hơn vì phải chở các nàng, chở kho hậu cần đồng thời chở luôn cả một cái chợ di động "buôn dưa lê-bán dưa hấu" trên đường. Con gái chuyện đâu mà nhiều thế không biết làm cho lớp trưởng phải nhắc chừng. Đến nơi phải hết sức trật tự, nhẹ nhàng, mấy cái loa kia hãy lui về cực tiểu không khéo thăm bệnh mà làm cho bệnh nặng thêm thì khốn. May cho lớp trưởng là đã đến nơi chứ nếu những lời đó mà ở ngoài chợ hay trên đường thì chắc là sự phản đối kịch liệt lắm. Hơn nữa trước mặt thầy, bọn con gái thường tỏ ra mình là những đứa trò ngoan. Cho nên khi nghe lớp trưởng đề nghị, bọn chúng nhất nhất hưởng ứng. Dường như thời cơ đến, lớp trưởng tranh thủ phân công kẻo sợ mấy nàng đổi ý.
- Nhỏ Thuý, Cúc cầm chai Sunlight "tiến quân" xuống nhà bếp. Lan, Diễm chịu trách nhiệm khu vực nhà tắm. Ô-mô đây. Còn lại cùng tui đi lau nhà.
Mới về trường, Thanh được bố trí vào ở khu nội trú. Căn phòng nhỏ bé nhưng cũng đủ kê một cái bàn làm việc, một cái giường, một cái tủ và một nơi để làm bếp (dường như với hắn mọi thứ đều chỉ một). Kể ra như vậy thì hắn cũng còn tương đối may mắn hơn những đồng nghiệp khác nhận công tác ở những nơi không có khu nội trú phải đi thuê nhà. Là giáo viên song cuộc sống của Thanh không khác mấy so với thời sinh viên. Có khác chăng là ngày nào hắn cũng phải đi chợ nấu những bữa ăn cho mình. Bởi ở vùng quê này kiếm đâu ra quán cơm đặt tháng. Thời gian đầu hắn chưa quen. Đi chợ là một cực hình. Khác với lên lớp hắn luôn tự tin còn khi ra đến chợ chân tay cứ luống cuống thế nào, biết mua những gì, mỗi thứ bao nhiêu. Thôi mua đại rồi về, nấu nướng sao cho nhanh là được. Ăn để mà sống mà dạy, chứ có phải dạy chỉ để mà ăn. Hơn nữa hắn sợ nhất là có học sinh nào của hắn “thưa thầy!” khi trên tay hắn xách nào rau muống, nào cá, nào bột ngọt, chai nước mắm thì kỳ quá. Lúc ấy mặt hắn đỏ như học sinh khi hắn gọi kiểm tra bài cũ. Làm thầy kể ra cũng rắc rối thật.
Bây giờ thì hắn đã quen. Hắn thuộc hết những con đường phố huyện, những quán nước đặc biệt là những người bán hàng ngoài chợ. Thời gian đi qua đánh tan biến cái rụt rè bỡ ngỡ ban đầu. Lớp 10 hắn chủ nhiệm giờ sắp sửa bước vào ngưỡng cửa khung trời mới. Hắn chỉ lo khi đau ốm. Việc này đối với người già thì bình thường. Còn thanh niên như hắn ốm đau mới nguy. Bởi đối với hắn mọi thứ đều chỉ một. Hắn không có lấy một người thân ở nơi xứ lạ quê người này. Hắn đến nơi thiếu mưa thừa nắng này rất đơn giản là vì công việc. Rời giảng đường Đại học, cũng như bao sinh viên khác, Thanh cuống cuồng tìm cho mình một chỗ làm phù hợp. Khi đã có nơi công tác rồi hắn lo vun vén cho sự nghiệp. Soạn bài, chấm bài, lên lớp, đi chợ đã ngốn đứt hết thời gian của hắn. Còn đâu mà nghĩ đến những vấn đề khác. Có lẽ trận ốm này Thanh mới có dịp chiêm nghiệm cuộc sống của mình. Nghĩ thế nên học trò đến thăm, hắn thấy vui lắm. Đặc biệt hơn khi nghe lớp trưởng phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm dọn dẹp nhà cửa, hắn cảm động vô cùng. Hắn định dậy cho học sinh đỡ lo nhưng hắn nghĩ mình dậy lúc này bọn chúng tưởng đã làm ồn thầy mới thức giấc. Bọn chúng áy náy thì tội nghiệp quá. Nhưng cứ nghĩ đến bãi chiến trường ở khu nhà bếp là hắn cảm thấy thế nào. Thầy mà, sao lại ăn ở bừa bộn thế. Lúc trước hắn cũng cố gắng cho đàng hoàng, ốm xuống mấy ngày công việc đùn ra như núi. Sống độc thân kể ra cũng khó khăn thật. Không có trận ốm này có lẽ hắn cũng không nhận ra. Nhận ra rồi hắn cảm thấy buồn buồn. Thôi dậy chứ, mãi nằm suy nghĩ có lẽ phải khóc mất.
Đang lau nhà thấy thầy cựa mình trở dậy, lớp trưởng vội đến đỡ thầy ngồi dậy. Nhưng dường như hơi thừa bởi Thanh ngồi dậy khoẻ khoắn lắm. Có lẽ học trò đến đem cho hắn sức mạnh hay hắn cũng không muốn tỏ ra yếu đuối trước học trò.
- Thầy! Tụi em đến dọn dẹp đường đột quá mà chưa xin phép.
- Xin gì nữa xong cả rồi mà phải không. Thầy đang băn khoăn không biết phải cảm ơn mấy em như thế nào cho phải đây?
Nghe tiếng thầy và lớp trưởng, tụi con gái dưới nhà bếp kéo nhau cả lên. Đi tiên phong là Lan. Thấy thầy khoẻ, bọn chúng thi nhau mà tra tấn không còn giữ gìn trật tự như trước nữa.
- Nhớ cô nào mà ốm dzậy thầy!
- Cô nào mà dám cho thầy mình tương tư, chắc là đẹp lắm há. Không biết có đẹp cỡ như mình không nhỉ?
Câu nói của nhỏ Lan làm Thanh phải bật cười. Mọi cảm giác đau ốm vụt tan biến mất. Châm chọc nhau là chuyện thường ngày giữa hắn và học trò. Ốm mấy ngày dường như bí, giờ mới có dịp.
- Sao lớp mình nghèo thế không biết, không mua nổi cho lớp phó đời sống lấy một cái gương. Ở thời đại nào rồi mà vẫn có người mắc bệnh tưởng. Tội nghiệp! Mấy hôm nay trời nắng quá…
- Trời ơi cảm động. Từ hồi giờ chưa có ai quan tâm tới em, lo cho em như dzậy cả. Em thương thầy quá.
Dường như hơi bị hớ nên nói xong Lan cảm thấy hai má mình nong nóng. Chỉ chờ có vậy, cơ hội đến quyết không bỏ qua. Thanh ra đòn quyết định.
- Rồi! Thầy biết cô nào làm cho thầy ốm rồi.
- Em ghét thầy!
Chẳng biết có ghét thật hay không mà Thanh lên lớp khi đã khỏi bệnh thấy Lan như có cái gì đó bối rối. Cái nhìn cũng là lạ thế nào. Nửa như nhìn hắn, nửa như nhìn bảng hay nhìn ra cửa sổ cũng chẳng biết. Hai cái má bất trị của Lan nữa cứ ửng đỏ, người thì nóng ran mỗi khi hắn phóng tia nhìn về phía cô. May sao cũng vừa lúc hết tiết, hắn vội vàng dặn dò một vài chú ý trong bài, phê sổ đầu bài rồi chào lớp bước ra. Hắn muốn nói với Lan câu gì đó không biết nhưng hắn biết là rất muốn. Ở trong lớp thì không tiện, thôi ra ngoài hành lang chờ. Hắn chờ mãi. Khác với mọi khi, đến lúc giải lao hết tiết là lúc Lan trổ tài chọc ghẹo mọi người. Bây giờ tiếng trống hết tiết làm Lan giật mình, đứng dậy chào thầy mà không dám nhìn lên bảng, rồi lại ngồi xuống nhìn ra sân.
Sân trường giờ đây đã có sự thay đổi. Người ít để ý như Lan cũng dễ nhận ra. Những chùm hoa phượng đỏ rực như lửa gọi mùa hè. Tiếng ve muôn thuở râm ran bài tình ca cũ rích. Không hiểu sao Lan cảm thấy buồn. Có lẽ đây là mùa phượng cuối của thời học trò cắp sách. Sang năm và nhiều năm sau nữa, phượng vẫn thắp lên những chùm lửa cho đời nhưng Lan chắc chắn sẽ không còn được như hôm nay. Phải xa biết bao nhiêu là bạn, bao nhiêu là trò tinh nghịch, những lần đấu khẩu nảy lửa và cả thầy nữa. Chẳng biết tự lúc nào mỗi khi nhắc đến thầy là trong Lan cứ luôn phập phồng, thổn thức. Có lẽ tất cả rồi sẽ là kỷ niệm chứa đựng trong lưu bút làm hành trang. Ừ lưu bút thầy viết cho Lan những gì nhỉ? Sao mà khó hiểu thế, xa xôi quá. Con bướm đang bay được làm bằng cánh phượng với câu thơ:
“Em như cánh phượng bay cao
Trời ơi hè đến lòng nao nao buồn”.
Đêm nay Lan vui lắm song niềm vui không được trọn vẹn. Tiệc liên hoan mừng Lan vào Đại học có bạn bè, người thân tham dự rất nhiều. Nhưng người Lan chờ đợi nhất vẫn không thấy đến. Ghét quá đi mất. Lan có đem thiệp mời đến phòng song không gặp thầy. Lúc đi Lan cứ mong đừng có gặp, bởi với Lan cứ cảm giác xốn xang, ngượng ngùng khó tả mà trước đây chưa bao giờ có mỗi khi gặp thầy, giờ không gặp sao khó chịu thế nào. Thôi để đại trên bàn rồi về, không biết rồi có thấy không, người gì đâu mà đi không khi nào khoá cửa phòng. Tiệc tan về đến nhà Lan hết sức ngạc nhiên. Ở bậc thềm là một chùm phượng vĩ được bọc trong lớp giấy kính màu xanh. Gắn trên chùm hoa một cánh thiệp xinh xinh nhỏ xíu. Dòng chữ sao quen quá. Thầy! của thầy rồi. Những con chữ không lẫn với bất cứ ai khác được. Thầy ơi! Thầy ở đâu, mai em đi rồi đó.
Thực ra Thanh ở phía sau Lan nãy giờ. Thấy cô bé vừa ngạc nhiên vừa bối rối đôi chút hoảng hốt hắn thấy buồn cười lắm.
- Thầy đây chưa ai bắt mất đâu mà gọi dữ dzậy.
- Thầy ác lắm làm em khóc rồi đó. Sao thầy không…
Hắn định đùa vài câu nữa song thấy mắt cô bé đỏ hoe lại thôi. Hắn lo kiếm lời an ủi kẻo người ta thấy tưởng hắn bắt nạt thì phiền phức lắm.
- Con gái khóc một chút cho dịu dàng nhưng chỉ một chút thôi. Thầy đến rồi còn gì, tặng em hoa “cây nhà lá vườn” đó, có thích không?
- Dạ thích thầy!
Dường như không tìm được nguyên nhân nào chính đáng để biện minh cho những giọt nước mắt của mình nên Lan thôi không khóc nữa. Còn hắn thấy Lan tươi tỉnh trở lại, tiếp tục trêu chọc.
- Thích hoa hay là…
- Em hổng biết.
Cuộc đời như dòng sông trôi vô định mà mỗi người phải tự tìm cho mình một bến bờ riêng. Em đã tìm được cho mình một lối đi rồi đấy, hãy bay cao như những gì thầy kỳ vọng. Có lẽ rồi em cũng sẽ đến với dòng sông đó thôi. Sức trẻ sẽ đưa em đi nhanh lắm. Giá như hôm nay trái đất ngừng quay, sóng thôi không vỗ nữa ngoài đại dương thì có lẽ thầy sẽ nói khác. Nhưng với em, thầy luôn tin rằng đại dương không khi nào hết sóng và trái đất sẽ quay tròn. Chẳng biết Lan có hiểu không song trong đôi mắt cô bé sáng rực một niềm tin. Một cơn gió thoảng qua nhè nhẹ, cánh hoa phượng rung rinh trên tay Lan.
Đặng Quang Sơn