Ths. Nguyễn Thị Thu- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm
(NTO) Giữ gìn, bảo lưu, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là vấn đề chúng ta thường đề cập trong quá trình thực hành di sản văn hóa dân tộc. Đó cũng là một nhiệm vụ thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Hội nghị BCH TW 5 – khóa VIII của Đảng đã đề ra. Nhiệm vụ đó không chỉ riêng của ngành Văn hóa mà là của toàn xã hội, toàn đảng, toàn dân trong sự nghiệp củng cố nền độc lập dân tộc trên phương diện văn hóa nhằm giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Các nghệ nhân Chăm biểu diễn nhạc cụ tuyền thống trong Lễ hội Ka-tê. Ảnh: Phượng Vỹ
Vì vậy, để giữ gìn, bảo lưu, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau và bằng nhiều phương thức khác nhau.
Về phương diện nhà nước- nhà nước đầu tư bằng nguồn ngân sách hàng năm, thiết lập một hệ thống các thiết chế văn hóa thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ở đây, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, bảo quản, bảo lưu một cách cẩn thận bằng các phương pháp bảo quản khoa học cả truyền thống và hiện đại. Nhưng những gì được bảo tồn tại các Bảo tàng, Trung tâm nghiên cứu, Đoàn Nghệ thuật dân gian… chỉ mới là một phương cách bảo lưu. Tất nhiên phương cách này cũng hết sức cần thiết và quan trọng, nó giúp việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống đi vào bài bản, khoa học và hiệu quả, nhất là các giá trị có nguy cơ mai một, biến đổi và thất truyền. Việc bảo lưu các giá trị văn hóa ở đây còn có tác dụng về giáo dục và quảng bá, trao đổi văn hóa trên phương diện giao lưu và cả khai thác tiềm năng về du lịch.
Tuy nhiên, có một cách bảo lưu khác không kém phần hiệu quả đó là các giá trị văn hóa được bảo lưu ngay trong môi trường văn hóa của nó, nơi nó được sinh ra, tồn tại và vận hành, trực tiếp đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Vì thế, ngoài kênh nhà nước, một kênh khác, thiết thực thỏa mãn nhu cầu bảo lưu văn hóa dân gian, đó là kênh của nhân dân. Thực ra đây không phải là một phương thức mới trong thực hành văn hóa dân gian. Từ xa xưa, người ta đã biết trao truyền giữa các thế hệ để văn hóa dân gian luôn là một dòng chảy trong quá trình lịch sử. Cho đến khi chịu sự tác động to lớn của cuộc sống hiện đại, phương cách truyền dạy dân gian cũng dần mai một và nó cũng không còn phát huy tác dụng một cách mạnh mẽ khi giới trẻ ngày nay không thấy hết ý nghĩa của việc trao truyền cũng như những lợi ích thiết thân cụ thể khi họ được tiếp nhận những giá trị văn hóa đó. Và thế là xuất hiện nguy cơ “đứt gãy” trong văn hóa.
Đội nữ mã la của đồng bào Ra glai huyện Bác Ái.
Tuy vậy, ở một chừng mực nào đó về nhận thức, hoặc vì nhằm một lợi ích cụ thể nào đó, công việc trao truyền văn hóa dân gian vẫn được thực hiện, chẳng hạn việc truyền dạy nghề nhằm gìn giữ nghề truyền thống của ông bà, đồng thời cũng là một cách giải quyết về công ăn việc làm, phát triển kinh tế gia đình trong điều kiện văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc là một ưu thế có thể phát huy, khai thác làm kinh tế vừa mang đến hiệu quả thiết thực về đời sống vừa là niềm tự hào của dân tộc đó.
Ở Ninh Thuận cũng vậy, không phải tự nhiên mà các làng nghề truyền thống người Chăm được khôi phục trong thời gian qua đã đi vào hoạt động và phát triển. Nó thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân về kinh tế. Những người thợ dân gian đương nhiên được truyền dạy theo phương cách dân gian mà không phải qua một trường lớp đào tạo bài bản, chính quy nào cả. Tất cả được tiến hành một cách tự giác và tự phát, vì lợi ích thiết thân của họ. Việc trao truyền văn hóa dân gian giữa các thế hệ không chỉ ở lĩnh vực truyền dạy nghề truyền thống mà còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác như truyền dạy hát dân ca, sử dụng nhạc cụ dân tộc…được tiến hành ở một số địa phương do nhu cầu về biểu diễn văn nghệ dân gian hay nhu cầu về một đội nhạc lễ…
Việc truyền dạy dân gian hoàn toàn hình thành tự phát như vậy nên diễn ra không đồng đều giữa các địa phương và phụ thuộc vào điều kiện khả năng của từng địa phương. Có thể có nhiều địa phương, thậm chí có nhiều cá nhân rất muốn thực hiện việc giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông nhưng không đủ điều kiện và khả năng. Họ cần có những hỗ trợ giúp đỡ ban đầu của nhà nước, cá nhân hoặc tổ chức như: hỗ trợ về vốn, kinh phí đào tạo, tiếp thị, quảng bá, thậm chí hướng dẫn cả về phương pháp… nhưng cái chính vẫn là sự tự nỗ lực của người dân.
Ở Ninh Thuận trong những năm qua đã có nhiều cố gắng trong việc khuyến khích đồng bào các dân tộc thực hành truyền dạy văn hóa dân gian thông qua tổ chức các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ dân gian, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc…hàng năm hoặc định kỳ 2 năm một lần…Đặc biệt, các liên hoan dành riêng cho đối tượng thanh-thiếu nhi các dân tộc cũng là điều kiện để các địa phương triển khai công việc truyền dạy thực hành văn hóa, văn nghệ dân gian nhờ có sự trợ giúp của ngành Văn hóa và chính quyền địa phương cũng như một số ban, ngành khác về kinh phí, điều kiện phương tiện, con người hướng dẫn phương pháp…
Năm 2008, bằng sự nỗ lực của cá nhân, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên đã tranh thủ được nguồn vốn tài trợ của “ Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Văn hóa dân gian” thuộc tổ chức Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam tại Hà Nội, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm và một số đơn vị liên quan tổ chức một lớp “Bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa dân gian Ra glai” và năm 2009 là lớp “Đào tạo sử dụng nhạc cụ dân tộc Chăm” cũng thực hiện theo phương cách truyền dạy dân gian tại chỗ. Tuy nhiên, hai lớp học này chỉ được triển khai ở một số làng được tuyển chọn, theo khuôn khổ của dự án. Riêng về đào tạo sử dụng nhạc cụ dân tộc Chăm thì vào năm 1994, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm cũng đã tiến hành tổ chức được một lớp đào tạo về trống Ginăng bằng nguồn ngân sách nhà nước và lớp học được tổ chức tại ngay đơn vị Trung tâm. Năm 2009, làng Mỹ Nghiệp cũng tổ chức được một lớp học trống Ghi-năng của địa phương thu được kết quả rất đáng khích lệ. Làng nghề Bàu Trúc cũng tổ chức việc truyền dạy văn nghệ dân gian biểu diễn phục vụ khách tham quan, du lịch…
Trao truyền giữa các thế hệ để gìn giữ và phát huy vốn văn hóa dân tộc bằng truyền dạy dân gian là phương thức cần khuyến khích nhưng không phải chỉ dừng lại ở khuyến khích. Tức là bên cạnh chủ trương đúng thì cần có chính sách, chế định cần thiết làm điều kiện tác động một cách chính xác và tích cực, nhất là đối với ngành Văn hóa. Ngoài ra, cũng cần có sự hướng dẫn về phương pháp cũng như chuyên môn để việc truyền dạy đem lại hiệu quả về mặt chất lượng và đảm bảo tính định hướng. Truyền dạy những loại hình nào mang lại hiệu quả kinh tế thiết thân trước mắt. Còn những loại hình khác nếu không có sự tác động thì dù có muốn thực hiện đến đâu cũng khó được triển khai, mặc dù có thể loại hình đó được xếp vào loại nguy cơ mai một cao nhất. Trong điều kiện tỉnh ta chưa có cơ sở đào tạo về văn hóa văn nghệ thì mô hình nhân dân tự tổ chức truyền dạy tại chỗ lại càng cần được nhân rộng, chưa kể việc tổ chức học tại chỗ ở cơ sở vừa thuận lợi cho các đối tượng tham gia học tập mà cũng giảm chi phí đi rất nhiều. Làm sao thu hút được nhiều thành phần, đối tượng quan tâm, cùng với nhà nước và nhân dân chăm lo tốt hơn sự nghiệp gìn giữ, bảo lưu các giá trị văn hóa dân tộc một cách bền vững là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, những người thực hành di sản văn hóa.