Các thành phần chính của chè: Hoạt chất chính của trà là chất chát. Hàm lượng tanin cao nhất ở búp, giảm dần ở lá non, lá già ít tanin nhất. Búp lá có 12% tanin, 4 - 5 lá non gần ngọn có 5% tanin, lá già chỉ còn 3,5% tanin. Quá trình sấy khô trà xanh làm hỏng một số hoạt chất. Ủ sấy trà đen làm giảm rất nhiều tanin.
Hoạt chất thứ hai của trà là cafein. Cũng như tanin, lượng cafein cao nhất nằm ở búp, giảm ở lá non và thấp nhất ở lá già. Búp trà có từ 1,5 - 5% cafein, cao hơn cà phê. Nước trà pha loãng hơn cà phê nên tác dụng của cafein trong cà phê quan trọng hơn trong trà. Tác dụng chính của nước chè do cafein, vì cafein kích thích thần kinh. Người ghiền chè tươi do đã quen với tính kích thích thần kinh. Người ghiền chè bị mất ngủ, nóng tính (do cafein) và gặp các tác dụng phụ như: táo bón, đầy bụng (do tanin), gầy. Với lượng vừa phải, chè tươi kích thích ăn ngon, thông tiểu, hưng phấn thần kinh.
Nhờ tanin, chè được dùng để trị hôi miệng, lở miệng, tiêu chảy, trúng thực, bôi ngoài da trị mụn nhọt lở loét...
Lá chè tươi có khá nhiều vitamin C. Trong quá trình nấu nước chè và ủ sấy, vitamin C bị phân hủy.
Các kết quả phân tích gần đây nhất cho thấy chè có các hoạt chất sau đây: catechol, tanin, cafein, theophyllin, flavonoid (kaempferol, quercetol, myricetol).
Một vài công dụng của lá chè:
Cảm mạo: Dùng 3g lá chè, 1g muối ăn, hãm nước sôi uống 4-6 lần trong một ngày, hợp với những người bị cảm sốt, ho có đờm vàng, đau họng.Nếu cảm lạnh, ho có đờm trắng thì dùng 3g lá chè, 3 miếng gừng đem hãm với nước sôi uống.
- Phong nhiệt, đau đầu: Đau đầu, thậm chí đau như búa bổ, mặt đỏ, mắt đỏ, miệng khát, nước tiểu vàng, dùng 6g lá chè, 10g hoa cúc, hãm với nước sôi, ngày uống 2-3 lần.
- Trúng nắng (cảm nắng): 6g lá chè, 6g đạm trúc diệp, hãm với nước sôi, một lúc sau uống nóng, mỗi ngày 2-3 lần, dùng cho người bị chứng bệnh thử nhiệt tân phiền, miệng khát thích uống nước, đi tiểu ít, nước tiểu vàng.
- Đi tả dài ngày: Đi tả lâu chưa khỏi, dùng 6g lá chè, 2 quả ô mai, 15g đường đỏ, hãm với nước sôi đậy kín nắp sau 15 phút thì uống, mỗi ngày 2-3 lần, liên tục trong 3 ngày.
- Ăn không tiêu: Lấy 10g lá chè, 10g bột sơn trà đã sao, 10g đường đỏ, đổ nước sôi vào hãm, 10 phút sau uống, có thể hỗ trợ trị bệnh ăn không tiêu, đầy, đau bụng, ợ chua, ăn kém.
- Hen suyễn: Những người bị hen suyễn lâu ngày chữa không khỏi, có thể dùng 3g mộc nhĩ trắng, 10g hạnh đào, 30g đường phèn, đổ nước vào đun cho đến khi mộc nhĩ chín nhừ, đổ vào nước chè đã hãm (30g lá chè), ngày uống một lần, uống liên tục 7-10 ngày.
- Bệnh lao hạch: Lấy 3-5g lá chè xanh, hãm uống một lần, ngày hai lần, uống kiên trì thường xuyên sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị.
- Bệnh viêm gan vàng da, vàng mắt cấp tính: Lấy một nắm chè, hãm với nước sôi uống ngày nhiều lần, chè có tác dụng lợi tiểu, trừ thấp làm cho bệnh vàng da vàng mắt lui dần.
- Bệnh cholesterol trong máu cao: Lấy một nắm chè hãm với nước sôi uống, ngày uống 2-3 lần.
- Bệnh béo phì: 3g lá chè, 10g quyết minh tử hãm uống hoặc đun lên uống.
- Viêm đường tiết niệu: Lá chè có tác dụng lợi tiểu, kiềm chế vi khuẩn, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, do đó uống nước chè vừa phải có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm nhiễm hệ tiết niệu. Có thể dùng kết hợp với kim tiền thảo có tác dụng lợi thủy thông niệu, mỗi lần 6g, hãm với nước sôi uống, có hiệu quả cao.
- Phụ nữ đau bụng kinh: 3g lá chè, 2 miếng gừng, 10g đường đỏ, hãm với nước sôi 5 phút, uống sau bữa ăn.
- Đau bụng, đau răng: 3g lá chè hãm với nước sôi 5 phút sau rót lấy nước rồi đổ vào 3g giấm đã làm lâu, đảo đều rồi uống, ngày 3 lần.
Lá chè xanh chữa bệnh ngoài da:
- Bị bỏng: Lấy nước chè nguội ngâm vết bỏng hoặc dùng vải mỏng nhúng vào nước chè nguội rồi đắp vào chỗ bỏng hoặc vẩy nước chè đặc nguội vào chỗ bỏng, sẽ giảm đau đớn, phòng ngừa bị phồng da, giúp vết bỏng mau lên da non.
- Bị ong đốt: Lấy một ít bã chè đã hãm một lần, xát vào chỗ bị ong đốt, hoặc lấy lá chè giã nát đắp vào chỗ đau.
- Bệnh đậu mùa, thủy đậu, mẩn ngứa, mụn nhọt: Đem lá chè nghiền thành bột, hòa với nước chè đặc đắp vào chỗ đau hoặc thường xuyên dùng nước chè đặc để tắm, rửa chỗ đau.
- Viêm da do lội ruộng (nước ăn chân): 400g lá chè già, 60g phèn chua, đổ vào nước đun thành nước đặc, để nguội bôi vào chỗ đau.
- Da bị nẻ: Trước khi đi ngủ lấy một dúm chè nhỏ nhai nát, nhuyễn thì đắp vào chỗ nẻ, rồi lấy băng buộc vào, sáng hôm sau thì bỏ ra.
- Da bị lở loét: Dùng chè vụn đun lấy nước rửa lúc nước chè còn ấm, hoặc dùng lá chè vụn đắp vào chỗ đau.
- Da bị cháy nắng: Dùng nước chè lạnh rửa lên chỗ da bị cháy nắng. Nếu da bị cháy nắng nhiều có thể cho nước chè đặc vào nước tắm. Ngâm chỗ da bị cháy nắng vào nước đó, mấy phút sau thì lau khô rồi bôi giấm vào sẽ thấy hiệu quả.
- Tóc thưa: thường xuyên dùng bàn chải chấm vào nước chè để qua đêm rồi chải lên lông mày hoặc chỗ tóc thưa.
- Viêm kết mạc cấp tính: Dùng 5-10g lá chè, sau khi đun sôi thì xông hơi vào mắt bị viêm, ngày 2-3 lần.
- Đau răng, nhiệt miệng: Thường xuyên dùng nước chè súc miệng, triệt để lợi dụng tác dụng diệt khuẩn tiêu viêm, sinh cơ của lá chè để trị bệnh đau răng và nhiệt miệng.
- Lỗ đeo khuyên tai bị viêm (còn gọi nên tổ kén): Bỏ khuyên tai ra, dùng cồn hoặc nước muối nhạt rửa sạch, lấy cuộng lá chè to vừa lỗ khuyên tai xuyên thay khuyên tai, chứng viêm ngứa hôm sau sẽ khỏi.
Ngoài ra, nước chè tươi còn có khả năng:
- Giải khát: uống nóng hạ thân nhiệt tốt hơn uống nguội. Điều này giải thích tại sao các quán chè tươi đều bán chè nóng. Uống nước nóng quá lại không tốt.
- Thông tiểu nhờ cafein, theophyllin và muối kali.
- Giải độc do tanin.
- Uống chè tươi đặc pha gừng để trị tiêu chảy.
- Ngừa bệnh tim mạch do phong tỏa gốc tự do.
Đối với người già, uống chè tươi đã là một thói quen và phong cách sống nhàn nhã, thú vị. Họ thường dậy sớm để uống chè tươi và ngẫm nghĩ chuyện đời. Nhưng đằng sau thói quen ấy, nước chè tươi đã mang lại cho họ nhiều chất bổ dưỡng.
- Uống nước nóng buổi sáng làm ấm trung tiêu, mạnh vị khí. Vị khí là khí của hậu thiên nên giúp cho doanh khí thông sướng. Tỳ vị người già vốn trì trệ suy nhược, làm ấm lên thật hợp lý.
- Bổ sung thêm nước cho người già là điều quan trọng.
- Uống nước chè giúp thông tiểu (nhờ cafein và theophyllin). Người già uống không đủ nước, ít ra mồ hôi; thông tiểu nhẹ là điều nên làm.
- Tinh thần người già bạc nhược, bi quan; cần gây hưng phấn (nhờ cafein).
- Chè tươi có nhiều chất chống oxy hóa, chống lão hóa.
Cách dùng: Dùng 50g chè tươi hoặc 10g trà xanh rửa sạch pha với 1 lít nước sôi. Uống nóng cả ngày.
Khi dùng nước chè tươi cần lưu ý: Nếu có biểu hiện mất ngủ, gầy yếu, ăn không ngon…thì ngưng uống. Không nên uống chè trong các trường hợp sau đây: chè quá đặc, lúc bụng đói, trước khi ngủ. Người bị suy dinh dưỡng, bị mất ngủ, loét dạ dày và tá tràng, táo bón, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên uống chè tươi, trà xanh. Chọn lá chè tươi hoặc hơi héo, không úa vàng hay mốc. Nước nấu chè nên là nước sông, suối sạch sẽ, không bị ô nhiễm. Tốt nhất là khi trời mưa lấy nước để dành, nấu pha chè. Nước pha chè tươi hoặc chè xanh không được nấu sôi nhiều lần vì sẽ làm giảm lượng oxy hòa tan cần thiết cho các phản ứng oxy hóa các chất trong trà. Vì vậy đối với chè tươi và trà xanh sử dụng phương pháp hãm là tốt nhất.
Như vậy, việc uống chè tươi và trà xanh hàng ngày rất có ích cho cơ thể, giúp ta phòng và chữa bệnh, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp đẹp tươi nhan sắc, sức khỏe, sống lâu, sống có ích.
KL tổng hợp
Nguồn Ẩm thực Việt Nam