Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận (23/8/1945 - 23/8/2015)

I. Sự kiện đánh dấu sự ra đời của lực lượng vũ trang tỉnh

Phát huy truyền thống yêu nước, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã được thành lập ở tỉnh Ninh Thuận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh của nhân dân trong tỉnh chống áp bức, chống cường quyền liên tiếp nổ ra và đã phát triển từ tinh thần yêu nước thành phong trào cách mạng ngày càng cao, càng mạnh, cùng các địa phương trong cả nước giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Lực lượng vũ trang tỉnh ra quân huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh: Văn Miên

Trước tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi, do cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra và sự khủng bố của kẻ thù, tháng 11 năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và ra Nghị quyết nhấn mạnh: “Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của Cách mạng Đông Dương”. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ năm 1939 đến năm 1945, các cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã ra sức hoạt động, tập hợp lực lượng, phát động quần chúng và cũng từ đó các tổ chức cách mạng, các đoàn thể cứu quốc lần lượt hình thành.

Đêm ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Vào cuối tháng 3-1945, Hội nghị lần thứ hai của Ủy ban Việt Minh lâm thời tỉnh Ninh Thuận được triệu tập, quyết định tiến hành một số công việc khẩn trương trong tình hình mới. Từ đó, phong trào cách mạng trong tỉnh ngày càng dâng lên mạnh mẽ.

Được tin khởi nghĩa của nhân dân Ba Tơ - Quảng Ngãi giành thắng lợi đã cổ vũ, động viên đảng viên, cán bộ và nhân dân trong tỉnh càng thêm quyết tâm; không khí chuẩn bị gấp rút cho cuộc tổng khởi nghĩa đã lan rộng ở nhiều địa phương. Các tổ chức vũ trang, các Ban trừ gian của Việt Minh được thành lập: Đội danh dự (trừ gian) Tháp Chàm, Vạn Phước do đồng chí Lê Thám và Mai Ngưu phụ trách; Đội tự vệ Dư Khánh do đồng chí Nguyễn Thúc Khôi phụ trách; Đội tự vệ Vĩnh Hy do đồng chí Trương Trọng Xương phụ trách.

Đêm ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh “Tổng khởi nghĩa trong cả nước”. Chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, nhân dân trong tỉnh đã đồng loạt vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 21-8-1945 toàn bộ cơ quan đầu não của địch ở Ninh Thuận đã sụp đổ.

Để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước và chính quyền cách mạng ở địa phương, một vấn đề cấp bách được đặt ra là phải có lực lượng vũ trang (LLVT) mạnh để làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của Nhân dân. Chính vì vậy, khi thành lập chính quyền ở mỗi cấp đều có một ủy viên phụ trách quân sự, riêng cấp tỉnh có Ủy ban Quân sự gồm 5 người. Cùng với việc thành lập Ủy ban Quân sự, ngày 23- 8-l945, tại Tháp Chàm, Đại đội Quân Giải phóng (sau đổi tên là Vệ Quốc Đoàn) được thành lập, gồm có 3 phân đội (trung đội) do đồng chí Trần Kỷ làm Đại đội trưởng, đồng chí Lê Bút làm Chính trị viên. Sau đó, đơn vị Giải phóng quân thứ hai được thành lập ở Phan Rang, gồm có 4 phân đội. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của LLVT nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Ngày 12-8-2005, Tư lệnh Quân khu 5 ra quyết định số 30/QĐ-QK lấy ngày 23-8-1945 làm Ngày Truyền thống của LLVT nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

II. Quá trình chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 23-9-1945, núp sau quân đồng minh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, thực hiện âm mưu xâm lược nước ta lần nữa. Cuối tháng 1-1946 quân Pháp tái chiếm Ninh Thuận. Trước tình hình đó, trên cơ sở các đơn vị lực lượng vũ trang đã được thành lập, Đảng bộ tỉnh có chủ trương: Nhanh chóng tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng quân giải phóng (Vệ quốc đoàn), lực lượng dân quân du kích thành lập các lò, xưởng chế tạo vũ khí, tìm những hình thức đấu tranh, cách đánh phù hợp, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, phá vỡ âm mưu càn quét gom dân bình định của địch.

Huấn luyện chiến sĩ mới. Ảnh: Văn Miên

Đến giữa năm 1953, khi thời cơ chung của cả nước tác động, lực lượng vũ trang tỉnh liên tiếp tấn công địch: Ngày 7-7-1953, Đại đội 210 chặn đánh 2 Tiểu đoàn Com-măng-đô do Trung tá tỉnh trưởng Hoàng Phúc Hải trực tiếp chỉ huy càn vào Hóc-Ron, ta diệt 68 tên thu nhiều vũ khí; ngày 28-9-1953, Đại đội 210 chặn đánh Tiểu đoàn Ngự lâm quân từ Đà Lạt tràn xuống Hóc-Ron, ta tiêu diệt 173 tên, thu 100 súng. Tiếp đến ngày 15-5-1954, Đại đội 210 tấn công Tiểu khu Ninh Chữ là một trong ba Tiểu khu của địch ở Ninh Thuận được trang bị hoả lực mạnh, ta diệt và bắt 180 tên thu 120 súng, trận đánh đã làm cho địch hoang mang, dao động và gây tiếng vang lớn. Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6-1954, thực hiện nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính của Liên khu 5, quân và dân trong tỉnh đồng loạt đánh địch 35 trận, diệt 6 cứ điểm, 9 tháp canh, bức rút 26 cứ điểm và tháp canh, loại khỏi vòng chiến đấu 1.050 tên địch (trong đó diệt 260 tên, thu trên 100 súng các loại), giải phóng hầu hết vùng nông thôn ở đồng bằng, địch rút về cố thủ Phan Rang.

Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trải qua cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, lực lượng vũ trang tỉnh đã cùng Đảng bộ, Nhân dân bám quê hương, đánh tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, phá âm mưu càn quét, gom dân bình định của địch, hỗ trợ tích cực cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng thực lực cách mạng. Từ thế bị động, cầm cự ban đầu, LLVT tỉnh vừa chiến đấu, vừa huấn luyện xây dựng đơn vị, từng bước lớn mạnh, tiến tới giành thế chủ động liên tục tiến công địch góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tỉnh Ninh Thuận là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Đế quốc Mỹ chọn nơi đây để xây dựng sân bay, bến cảng, các đơn vị lớn với đủ sắc lính và hàng trăm máy bay, súng, pháo các loại. Địch đã tổ chức thiết lập ách thống trị trên mảnh đất này một chế độ kìm kẹp hà khắc, biến nơi đây thành một khu vực “Bất khả xâm phạm” - “Lá chắn thép Phan Rang”, nơi an toàn nhất của chúng. Chiến trường Ninh Thuận vốn có địa hình hiểm trở, lại xa sự chỉ đạo, chi viện của trên, địch lại đánh phá quyết liệt, chúng muốn “quét sạch” cơ sở cách mạng và LLVT của ta.

Song, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, LLVT tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển. Đầu năm 1959, LLVT tỉnh chỉ mới có 31 đồng chí, trang bị thô sơ, nhưng đã phối hợp với quân và dân huyện Bác Ái nổi dậy phá khu tập trung của địch, đưa dân trở lại buôn làng thoát khỏi ách kìm kẹp của địch, đến ngày 30-8-1960 đã tiêu diệt hết các đồn bót đóng trên địa bàn huyện Bác Ái; huyện đã được giải phóng và trở thành địa phương đầu tiên ở miền Nam được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), các đội du kích, tự vệ và bộ đội địa phương lần lượt ra đời, các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng đã đồng loạt nổi dậy phá các khu tập trung, đồn bót của địch, giải phóng một bộ phận nông thôn.

Từ khi Mỹ tiến hành “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), LLVT tỉnh liên tục dấy lên cao trào phá ấp diệt tề, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận chủ lực và bảo an ngụy, phá vỡ đại bộ phận dân vệ thanh niên chiến đấu có vũ trang, phá vỡ nhiều ấp chiến lược, giải phóng một vùng nông thôn, rừng núi quan trọng, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy.

Khi Mỹ buộc phải leo thang tiến hành “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) bằng âm mưu thâm độc và thủ đoạn rất dã man, nhưng LLVT tỉnh nhà vẫn chiến đấu với tinh thần nỗ lực cao độ để tập trung mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đánh thẳng vào các khu quân sự, kinh tế, chính trị của địch như: Sân bay Thành Sơn, cảng Ninh Chử, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm… Cùng với tấn công quân sự, hàng vạn quần chúng ở khắp nơi đồng loạt nổi dậy đấu tranh chính trị, binh vận, góp phần cùng cả nước đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh.

Bị thất bại nặng nề trong “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ tiến hành “Việt Nam hoá chiến tranh” (1969-1972). Với ý chí kiên cường và truyền thống đấu tranh bất khuất, LLVT tỉnh tiếp tục đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của địch. Căn cứ sân bay Thành Sơn mà Mỹ - Ngụy cho là “bất khả xâm phạm” đã nhiều lần bị LLVT tỉnh đánh phá gây nhiều thiệt hại nặng nề. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân trong tỉnh đã cùng bộ đội chủ lực tiến công đánh chiếm sân bay Thành Sơn, đập tan “Lá chắn thép Phan Rang”, thành lũy “bất khả xâm phạm” của địch bị sụp đổ, giải phóng tỉnh Ninh Thuận vào ngày 16-4-1975, góp phần đưa cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng, kết thúc hơn 20 năm trường kỳ chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ, nhưng rất vẻ vang của quân và dân ta, cùng cả nước đưa cách mạng nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, LLVT tỉnh đã trực tiếp chiến đấu và phối hợp với bộ đội chủ lực đánh 8.355 trận, diệt và làm bị thương gần 48.900 tên địch (trong đó có 6.180 lính Mỹ), bắt sống 4.239 tên (trong đó có 1 Trung tướng, 1 Chuẩn tướng Ngụy và 1 Đại tá Mỹ), diệt hoàn toàn 5 Tiểu đoàn Bảo an, 114 Trung đội Phòng vệ dân sự, 120 đồn bót, 2 cứ điểm, 9 đại đội, phá hàng trăm ấp chiến lược, bắn rơi và phá hủy 424 máy bay các loại, làm hư hỏng 275 xe tăng và xe bọc thép, 964 xe quân sự, 76 khẩu pháo, phá hủy 1 kho với hơn 600 tấn bom, 2 kho và 7 bồn xăng, thu 51 máy bay, 4.800 súng các loại.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, Nhân dân và LLVT tỉnh Ninh Thuận có 32 tập thể và 13 cá nhân được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.

III. Một số kinh nghiệm rút ra qua 2 cuộc kháng chiến

Trong suốt cuộc trường kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, mất mát, vượt qua những thắng lợi vinh quang và trải nghiệm những vấp váp, sai lầm, khuyết điểm để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định thắng lợi mọi nhiệm vụ của LLVT; do vậy, trong bất kỳ tình huống nào, luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng là cực kỳ quan trọng.

Đảng ta là Đảng của giai cấp vô sản, ngay từ khi mới ra đời đã gánh vác sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Từ khi Đảng ra đời cho đến nay đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Quân đội được Đảng sáng lập, giáo dục và rèn luyện, là công cụ chuyên chính, luôn trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, bất luận trong thời kỳ nào Đảng ta đều trực tiếp lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp đối với Quân đội. LLVT tỉnh Ninh Thuận ra đời trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Ủy ban Hành chính Việt Minh tỉnh. Ngày 21-8-1945, lực lượng chính trị quần chúng của Đảng đã khởi nghĩa giành chính quyền; sau 2 ngày, ngày 23-8-1945, đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh ra đời gồm những quần chúng ưu tú của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT tỉnh phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn; thực hiện đúng quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, bám sát chủ trương của Tỉnh ủy về chỉ đạo kháng chiến, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, thử thách để giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Hai là, Xây dựng các LLVT vững mạnh, thường xuyên quán triệt và nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện theo đúng quy luật của chiến tranh cách mạng, vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh cụ thể của địa phương, đơn vị.

Đảng ra đời lãnh đạo cách mạng bằng đường lối, chủ trương, chính sách trong từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đặc biệt là trong kháng chiến, Đảng đề ra đường lối quân sự và nghệ thuật quân sự đúng đắn và sáng tạo để chỉ đạo kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Ninh Thuận đã nắm vững đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào điều kiện cụ thể ở địa phương để tổ chức. Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, LLVT tỉnh đã cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh bám chắc quê hương, phối hợp cùng với chiến trường chung của cả nước trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1954 làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ Ninh Thuận đã sớm tổ chức xây dựng LLVT từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, trên cả ba vùng chiến lược, cả bộ đội địa phương và lực lượng dân quân du kích bước vào đánh địch; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận ngày 16-4-1975 và mở đường cho đại quân ta tiến quân giải phóng miền Nam ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước - Đây là bài học có ý nghĩa quan trọng về xây dựng các LLVT vững mạnh.

Ba là, Luôn luôn thắt chặt mối quan hệ máu thịt với Nhân dân; sức dân và vai trò của quần chúng nhân dân cực kỳ to lớn trong hai cuộc chiến tranh giải phóng.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, LLVT nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn luôn thấm nhuần quan điểm của Đảng và Bác Hồ “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân tiến hành, LLVT là nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc. Quần chúng nhân dân tuy có trình độ chính trị, văn hóa không đồng đều, nhưng có một nét chung nhất đó là: Lòng yêu quê hương, đất nước, chí căm thù quân xâm lược và bè lũ tay sai bán nước sâu sắc, là truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do, cơm no, áo ấm và lẽ công bằng”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, LLVT nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn kiên trì bám dân, sống cùng dân, đi sâu tuyên truyền, giáo dục, phát động và tổ chức các phong trào quần chúng, làm cho quần chúng thực sự giác ngộ cách mạng, luôn phát huy truyền thống yêu nước, vùng lên chống lại kẻ thù. Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ninh Thuận đã xây dựng và phát triển thực lực chính trị, LLVT, xây dựng và phát triển 6 chiến khu: Bác Ái, Anh Dũng, CK7, CK19, CK22, CK35 trở thành các căn cứ địa vững chắc, bất chấp mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù để giữ vững và thông suốt hành lang Nam – Bắc. Đây cũng là nơi tạo nên sức mạnh toàn dân, là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến giành thắng lợi.

Bốn là, Xây dựng và bảo vệ căn cứ kháng chiến, phát huy tinh thần “tự lực, tự cường” là vấn đề sống còn trong hai cuộc kháng chiến, đồng thời là truyền thống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong chiến tranh nói chung, quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, nhất là về điều kiện địa lý tự nhiên và xã hội, từ điều kiện khách quan và chủ quan, Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận nhận thấy việc xây dựng căn cứ địa làm hậu phương tại chỗ là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, góp phần quyết định thắng lợi cho kháng chiến và là kinh nghiệm quý báu để cho Quân khu 5, Quân khu 6 chỉ đạo xây dựng căn cứ sau này. Từ những ngày đầu kháng chiến, cán bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã biết dựa vào một số địa bàn hiểm yếu, địa hình rừng núi có nhiều hang động để tổ chức xây dựng căn cứ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các căn cứ kháng chiến đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ vững đường dây liên lạc lãnh đạo, chỉ đạo và nơi dừng chân của các đoàn cán bộ từ Bắc vào, từ Nam ra. Cũng chính từ những khu căn cứ kháng chiến đã tôi luyện đào tạo nên hàng trăm, hàng nghìn cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở vững vàng, kiên định, có năng lực thực tiễn chỉ đạo chiến tranh và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Ninh Thuận là chiến trường nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm, xa sự chi viện của Trung ương, của Liên khu 5, Quân khu 6, địch lại tăng cường bao vây tứ phía, có những lúc không bắt được liên lạc, không nhận được sự chi viện của cấp trên. Phát huy truyền thống “Tự lực, tự cường”, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn của dân tộc Việt Nam, Đảng bộ, Nhân dân và LLVT tỉnh Ninh Thuận tích cực tăng gia sản xuất và huy động nguồn hậu cần, kỹ thuật tại chỗ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, tạo nên những kỳ tích lịch sử.

Năm là, Sự chỉ đạo, chi viên của Trung ương, của Quân khu và các tỉnh bạn về sức người, sức của có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngoài tinh thần tự lực, tự cường, chịu đựng gian khổ, khó khăn của quân và dân tỉnh Ninh Thuận, sự chi viện về sức người, sức của từ Trung ương, từ Quân khu và các địa phương bạn đã góp phần quan trọng để Ninh Thuận vượt lên khó khăn, thiếu thốn để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, những chi đội quân Nam tiến, các đoàn công tác của Trung ương, Miền, các tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định…và các tổ, đội thợ kỹ thuật sửa chữa vũ khí, sản xuất của Liên khu 5… đã tăng cường quân số, hỗ trợ giúp đỡ về công tác huấn luyện, tác chiến và sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài để đánh địch. Nhờ vậy, LLVT Ninh Thuận đã ngày càng vững mạnh về mọi mặt, từng bước tự đảm bảo cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ có tiềm lực quân sự lớn, quy mô chiến tranh rộng, thủ đoạn tác chiến có nhiều thay đổi tinh vi, xảo quyệt hơn. Do đó, đòi hỏi LLVT tỉnh cũng phải thay đổi hình thức tác chiến, sử dụng lực lượng và về công tác bảo đảm. Khi đế quốc Mỹ đổ quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam, từ các phong trào “quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”… hàng vạn thanh niên miền Bắc đã hăng hái tham gia tòng quân, nhập ngũ, tái ngũ vào chiến trường miền Nam, trong đó có chiến trường Ninh Thuận. Đó là con em của huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây với Tiểu đoàn Ngô Quyền năm 1965 và hơn 500 thanh niên của huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng với Tiểu đoàn 610 (đường 10 quật khởi) năm 1967. Một số cán bộ, chiến sĩ đặc công Nam Bộ cũng được chi viện cho chiến trường Ninh Thuận trong những năm đầu đánh Mỹ. Trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, để bảo vệ Sài Gòn từ xa, Mỹ - ngụy đã lập tuyến phòng thủ tại Ninh Thuận, chúng coi đây là “lá chắn thép” Phan Rang để ngăn chặn sức tiến công của đại quân ta. Tình hình và thời cơ thuận lợi, Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải quyết định tăng cường cho chiến trường Ninh Thuận sư đoàn 325 thuộc quân đoàn 2, Quân khu 5 tăng cường sư đoàn 3 Sao Vàng, trung đoàn 25 Tây Nguyên cùng các đơn vị LLVT tỉnh Ninh Thuận tiến công thần tốc giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận, đập tan “lá chắn thép” Phan Rang ngày 16-4-1975, mở đường cho đại quân ta giải phóng Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Quê hương Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng là niềm hân hoan, phấn khởi của nhân dân tỉnh nhà; song, chúng ta cũng không quên và luôn ghi ơn gương chiến đấu hy sinh xương máu và nằm lại trên mảnh đất Ninh Thuận của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc.

Trong suốt 30 năm của cuộc chiến tranh giải phóng, những thành quả đạt được và những bài học kinh nghiệm trên luôn có giá trị và là tài sản vô cùng quý báu để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, học tập, rèn luyện, phấn đấu. Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh toàn diện; cùng toàn Đảng, toàn dân tiếp tục lập nhiều thành tích, chiến công mới trong giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương và chủ quyền quốc gia; góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng quê Ninh Thuận giàu đẹp, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

IV: Ra sức xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới lá cờ vinh quang của Đảng, được nhân dân các dân tộc trong tỉnh đùm bọc, nuôi dưỡng, hết lòng tin yêu, LLVT tỉnh đã làm tròn sứ mệnh là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc, góp phần giải phóng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương. Lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã không ngừng phát huy bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, được nhân dân tin yêu và xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã trân trọng, tự hào, giữ gìn và không ngừng phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đặc biệt là từ khi tỉnh Ninh Thuận được tái lập vào tháng 4-1992 đến nay, LLVT tỉnh đã kề vai sát cánh cùng với các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua, tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Những năm qua, bên cạnh những thuận lợi lớn, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đã tác động đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Nhưng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu mà trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; được sự phối hợp, hổ trợ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đã được quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân từng bước đi vào chiều sâu; phát huy có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền. Công tác đấu tranh phòng, chống các hoạt động phá hoại của địch bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” trên địa bàn tỉnh ngày càng có chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Thường xuyên chăm lo xây dựng cơ quan quân sự các cấp và LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh từng bước được nâng lên, từng bước phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng; lực lượng thường trực được huấn luyện, diễn tập, nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp, chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật; trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu đáp ứng được cả yêu cầu trước mắt và khi có tình huống xảy ra; thực hiện tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, hạn hán, xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, tạo được niềm tin trong xã hội, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng Dự bị động viên được đăng ký, quản lý, kiện toàn biên chế chặt chẽ, sẵn sàng động viên khi có yêu cầu; lực lượng Dân quân tự vệ phát triển rộng khắp, chất lượng chính trị được nâng lên, qua hoạt động thực tiễn lực lượng Dân quân tự vệ đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

Phấn khởi về những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, thời gian tới LLVT tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; các Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tập trung xây dựng LLVT tỉnh theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”; tạo nên bước phát triển mới toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn hiện nay; chú trọng xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, thường xuyên đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xác định đúng đối tượng, đối tác, chủ động ngăn chặn và kịp thời làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương.

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh, là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang của quê hương, bản chất, truyền thống tốt đẹp và những chiến công oanh liệt của quân và dân tỉnh nhà. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, ra sức xây dựng LLVT tỉnh thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo “Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh