Ghi nhận từ quyết tâm xây dựng nông thôn mới xã Hòa Sơn

(NTO) Hòa Sơn là một trong hai xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Ninh Sơn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi. Toàn xã có 6 thôn với 1.189 hộ/4.232 khẩu, trong đó có 1 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số với 109 hộ.

Tuy là xã thuần nông với trên 85% hộ dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động được nước tưới thấp, chủ yếu dựa vào nước trời nên năng suất và sản lượng cây trồng chưa cao, giá cả mặt hàng nông sản, chủ yếu là mì, mía hàng năm thiếu ổn định. Cơ sở hạ tầng như giao thông nội thôn, liên thôn, điện sinh hoạt, nước, trường học, trạm y tế… tuy đã được đầu tư trong những năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như thủy lợi, giao thông nội đồng. So với mặt bằng chung của huyện và các địa phương khác thì kinh tế của xã còn kém phát triển, thiếu bền vững, thu nhập của bà con nông dân không ổn định, tỉ lệ hộ nghèo còn cao (51,8%), đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân còn nhiều khó khăn.

Tuyến đường Nông thôn mới nối thôn Tân Tiến và thôn Tân Hiệp
vừa được hoàn thành vào tháng 6-2017.

Nêu những thực trạng trên để thấy rằng xã Hòa Sơn bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với điểm xuất phát rất thấp, đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm cao từ công tác tuyên truyền, vận động, “nói đi đôi với làm” để tạo đồng thuận trong Nhân dân, đồng thời lãnh đạo xã phải xây dựng các nội dung thực hiện với bước đi phù hợp từng tiêu chí nhằm huy động “tổng lực” để rút ngắn “chặng đường” hoàn thành 19 tiêu chí, tạo bộ mặt nông thôn mới trên địa bàn xã.

Một trong những ghi nhận đầu tiên của chúng tôi qua hơn 5 năm “bắt tay” vào xây dựng NTM của xã, đó là huy động các nguồn lực để đầu tư cho các công trình hạ tầng địa phương. Tính đến nay, toàn xã huy động được trên 40,2 tỷ đồng; trong đó, vốn trực tiếp từ ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên 16,05 tỷ đồng, Nhân dân địa phương đóng góp hơn 1,05 tỷ đồng, vốn từ ngân sách địa phương trên 2,78 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 14,95 tỷ đồng và vốn tín dụng trên 3,40 tỷ đồng,... Từ nguồn vốn nói trên đã đầu tư xây dựng 34 công trình như làm đường giao thông nông nông thôn, trạm y tế, điện,... Điều rất đáng nói là tuy còn đến 51,8% hộ nghèo nhưng cũng chính từ đồng thuận cao của người dân để xây dựng NTM nên đã nhận được những đóng góp thiết thực, hiệu quả như ngoài đóng góp bằng tiền, nhiều nông hộ còn hiến đất, hiến cây ăn trái, góp công, vật tư... Điển hình như ông Nguyễn Hoàng và bà Tà Yên Thị Điều (thôn Tân Lập), mỗi hộ hiến 20 m2 đất sản xuất có trồng mỳ; ông Nguyễn Ngọc Huy (thôn Tân Lập) hiến 30 m2 đất sản xuất có trồng mỳ; bà Phạm Thị Lùn (thôn Tân Tiến) hiến 20 m2 đất ở; ông Phạm Văn Hùng (thôn Tân Bình) hiến 100 m2 đất sản xuất; ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Tân Hiệp) hiến 30 m2 đất ở;... và nhiều trường hợp khác sẵn sàng đóng góp cho NTM địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương đã rất chú trọng đến việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và xem đây là yếu tố “cốt lõi” trong xây dựng NTM. Với tinh thần chuyển những bất lợi đã nêu thành tiềm năng phát triển, địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, dự án hỗ trợ cây, con giống và tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân nhằm nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng vật nuôi, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Cụ thể, duy trì và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản, nuôi bò vỗ béo, mô hình tưới nước tiết kiệm để trồng cỏ chăn nuôi bò; lồng ghép nguồn vốn từ Dự án hỗ trợ Tam nông, Chương trình 135, Vốn 102, xã đã tổ chức triển khai hỗ trợ 95 con bò cái sinh sản cho 95 hộ nông dân, 196 tấn giống mía mới cho 26 hộ trồng mía, 96 con cừu cái và 24 con cừu đực giống cho 24 hộ dân với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng của huyện mở 4 lớp đào tạo nghề cho 119 lao động và 31 lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt với trên 1.395 học viên tham gia; đến nay, đã giải quyết việc làm cho 625 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết được 125 lao động. Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được chú trọng, toàn xã hiện có trên 17 máy cày, 18 máy kéo nhỏ, tăng 16 máy so với năm 2011, đáp ứng yêu cầu về khâu làm đất, vận chuyển nông sản. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 6 máy làm đất đa năng cho 6 hộ nông dân trồng mía nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, tăng thu nhập cho người nông dân với tổng kinh phí 156,8 triệu đồng (trong đó người dân đối ứng 20%). Bên cạnh đó, nông dân còn được vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Ninh Sơn thông qua hoạt động của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh để đầu tư phát triển sản xuất, trong đó chú trọng đầu tư máy móc phục vụ sản xuất và mua bò vỗ béo. Ngoài ra, một số hộ dân đã mạnh dạn vay vốn thành lập trang trại chăn nuôi tập trung bán thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, những kết quả đó đã tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế nông nghiệp của xã, một bộ phận người dân đã bắt đầu thay đổi các hình thức canh tác cũ, lạc hậu và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng đàn vật nuôi (chủ yếu là bò) góp phần tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững...

Kinh tế phát triển đã tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Đến nay, Hòa Sơn cơ bản đã đạt các tiêu chí về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường. Đơn cử như, về giáo dục, xã đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tiểu học và xóa mù chữ. Về y tế, ngoài Trạm Y tế xã với quy mô phòng khám (10 phòng), cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh và đội ngũ nhân viên y bác sĩ của trạm đảm bảo phục vụ nhân dân theo tiêu chuẩn, những năm qua, chương trình y tế quốc gia và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân luôn được quan tâm và duy trì tốt. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Về văn hóa, có 5/6 thôn được công nhận thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 83%. Hệ thống truyền thanh không dây đã được đầu tư, phủ kín toàn xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các quy định của địa phương... Với quyết tâm và những nỗ lực đạt được, đến nay Hòa Sơn đã hoàn thành 14/19 tiêu chí NTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn các tiêu chí chưa hoàn thành như: tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư; tiêu chí số 10 về thu nhập; tiêu chí số 11 về hộ nghèo; tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm... Đồng chí Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã phân tích với chúng tôi: Một trong những nguyên nhân làm cho tiêu chí số 10 và số 11 đến nay vẫn chưa đạt là do hầu hết bà con nông dân sống dựa vào nông nghiệp là chính, diện tích sản xuất nông nghiệp chủ động được nước tưới thấp, chủ yếu dựa vào nước trời, kênh mương thủy lợi không đáp ứng yêu cầu cho sản xuất. Đặc biệt, trong đợt nắng hạn kéo dài từ năm 2015 đến năm 2016 đã làm thiệt hại trên 400 ha cây công nghiệp và hoa màu, khoảng 200 ha đất sản xuất nông nghiệp bỏ trống, không canh tác, gây thiệt hại nặng cho nông dân và phải mất vài năm mới hồi phục được. Do đó, mặc dù nhiều nguồn lực được đầu tư hỗ trợ cho người dân nhằm tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững nhưng mức tăng thu nhập không đáng kể, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.

Quyết tâm của xã từ nay đến năm 2020 nói chung, năm 2017 nói riêng, đó là tiếp tục duy trì và ngày càng nâng cao các tiêu chí đã đạt được, đồng thời phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, do nguồn lực có hạn của một xã vùng cao cho nên rất cần sự hỗ trợ của cấp trên, nhất là đầu tư xây dựng một số công trình thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân như: Xây dựng Hồ Sông Than, đảm bảo được nguồn nước tưới, nâng cao năng suất cây trồng, từng bước tăng thu nhập, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững, hoàn thành tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo; nâng cấp, cứng hoá các tuyến đường giao thông nội đồng; nâng cấp, kéo dài tuyến đường điện phục vụ sản xuất nông nghiệp xứ đồng thôn Tân Lập và nâng cấp chợ Hòa Sơn… Địa phương cũng kiến nghị là các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất và đời sống và các nguồn hỗ trợ khác cần được lồng ghép để đầu tư theo đúng định hướng trong kế hoạch giai đoạn 2016-2020 và Đề án giảm nghèo của xã để đạt hiệu quả đầu tư cao, tránh đầu tư dàn trải, không phù hợp với yêu cầu của người dân và điều kiện của địa phương gây lãng phí nguồn lực.