Thuận Bắc xây dựng nông thôn mới

(NTO) Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), có thể nói huyện Thuận Bắc đã đạt được những kết quả tích cực: Cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện; các tiến bộ khoa học-kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc…

Bước đầu khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, tuy còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện bị hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở, đến cuối năm 2015, đã có 2 xã đạt chuẩn NTM, vượt chỉ tiêu 1 xã theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II đề ra. Đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UNBD huyện Thuận Bắc, cho biết: Xuất phát điểm từ năm 2011, đạt bình quân 5 tiêu chí/xã. Qua 5 năm xây dựng NTM, đến nay, bình quân đạt 11 tiêu chí/xã. Trong đó, ngoài 2 xã đạt chuẩn NTM là Công Hải và Bắc Phong (19 tiêu chí); các nhóm xã đạt mức trung bình gồm: Bắc Sơn (7 tiêu chí), Lợi Hải (8 tiêu chí), Phước Kháng (6 tiêu chí), Phước Chiến (7 tiêu chí). Các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất được triển khai tích cực. Kết quả trên là “bước đệm”, đòn bẩy thúc đẩy sự phát kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn huyện.

 
 
Xã Bắc Phong tích cực xây dựng bê tông hệ thống kênh nương nội đồng.

Anh Nguyễn Hiếu Hiền, người dân thôn Hiệp Kiết (xã Công Hải), chia sẻ: “Khi triển khai xây dựng NTM, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con ngày càng được quan tâm. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân bớt nhọc nhằn hơn trước”. Còn chị Trương Thị Cẩm Quyên, người dân thôn Gò Sạn (xã Bắc Phong), phấn khởi: “Từ khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Nhân dân có nước sinh hoạt sử dụng; đường làng thì được bê-tông khang trang…, bà con chúng tôi vui lắm!”. Ngoài ra, hằng năm, huyện đều triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay xuống còn 14,71% (theo chuẩn mới năm 2015); tỷ lệ hộ được dùng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%. Cùng với đó, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng NTM, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội; đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp; công tác y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường nông thôn được quan tâm cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, huyện vẫn còn không ít khó khăn trong quá trình xây dựng NMT như: Ở 2 xã đạt chuẩn NTM, một số tiêu chí ở “ngưỡng” đạt, chứ chưa thật sự bền vững lâu dài; 4 xã còn lại nhiều tiêu chí còn ở mức thấp như: nhà ở dân cư, hộ nghèo, thu nhập, giáo dục… Đầu tư xây dựng NTM còn thiếu cân đối, mới chỉ chú trọng xây dựng các công trình phát triển hạ tầng xã hội như: giao thông, thủy lợi, trụ sở làm việc… Các công trình như đường nội đồng, cơ sở văn hóa chưa được chú trọng, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chưa thật đồng bộ. Đa số các xã đều “lúng túng” trong cơ chế huy động nội lực, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn; trong lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu các giải pháp cụ thể tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm để phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương…

Với những kết quả đạt được và khó khăn nêu trên, thời gian tới, huyện Thuận Bắc đề ra mục tiêu: Đến năm 2020 duy trì 2 xã (Công Hải, Bắc Phong) đạt chuẩn NTM và tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt; xây dựng thêm 2 xã (Lợi Hải, Phước Chiến) đạt chuẩn NTM trong năm 2017, 2018, để nâng toàn huyện có 4 xã, chiếm tỷ lệ 66,7% đạt chuẩn NTM. Đồng chí Võ Chi cho biết thêm: Để cụ thể hóa mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động từ huyện đến cơ sở để mọi tầng lớp nhân dân hiểu về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác chuyên trách xây dựng NTM; thường xuyên cập nhập, thông tin về các mô hình điển hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay để địa phương và người dân học hỏi, áp dụng có hiệu quả về xây dựng NTM. Tiếp tục xây dựng các chương trình dự án, huy động nguồn vốn để thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội ở nông thôn và miền núi. Ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ cao, công nghệ tưới nước tiết kiệm… Có như vậy, mới tạo diện mạo của nông thôn ngày càng thêm khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cải thiện và nâng cao.