Dự án hỗ trợ tam nông

Hiệu quả hoạt động của Nhóm cùng sở thích nuôi cừu thôn Kiền Kiền 1

(NTO) Thôn Kiền Kiền 1 (xã Lợi Hải, Thuận Bắc) có 169 hộ/537 dân sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, bên cạnh trồng lúa và hoa màu, phần lớn các hộ dân nơi đây đều nuôi bò, dê, cừu nhỏ lẻ theo hướng thương phẩm, cải thiện thu nhập.

Căn cứ vào tình hình thực tế, đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), Ban Phát triển xã đã lựa chọn các mô hình chăn nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý là mô hình nuôi cừu sinh sản đã giúp các hộ nghèo và cận nghèo ở thôn có thêm sinh kế mới, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu thôn Kiền Kiền 1 triển khai hiệu quả mô hình
nuôi cừu sinh sản thông qua Dự án HTTN.

Năm 2014, từ định hướng của Ban Phát triển xã, nhóm cùng sở thích (NST) nuôi cừu sinh sản thôn Kiền Kiền 1 được thành lập với 5 hộ thành viên, trong đó có 3 hộ nghèo và 2 hộ trung bình. Đến tháng 10-2015, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ SCG (thuộc Dự án HTTN), nhóm được tài trợ số tiền 70 triệu đồng (cộng với vốn đối ứng của các thành viên 10 triệu đồng) mua cừu giống cấp cho các hộ thành viên. Ông Hồ Văn Đạt, trưởng nhóm cho hay: Nhờ tham gia vào NST của Dự án HTTN, mỗi thành viên được cấp 4 con cừu đã cấn chửa và 2 con cừu đực nhỏ, trị giá gần 16 triệu đồng. Số tiền này đối với hộ nghèo và cận nghèo là quá lớn để đầu tư cho chăn nuôi. Nhận thức được điều này nên từ khi nhận cừu của Dự án đến nay, các hộ phấn khởi và chí thú chăm sóc đàn cừu chu đáo, mặc dù mùa khô hạn đang gây khó khăn về nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Bên cạnh đó, nhờ được tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi cừu sinh sản, quản lý đàn, vệ sinh chuồng trại, cách chủng ngừa một số bệnh thường gặp trên cừu… nên đến nay 5/5 hộ đã có cừu sinh sản, tăng số lượng đàn cừu từ 6 con ban đầu lên 10 con; cá biệt có hộ chị Từ Thị Mười đã phát triển được đàn cừu 14 con. Chị Mười phấn khởi: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, trước đây cuộc sống chỉ dựa vào trồng trọt, nay nhờ được hỗ trợ cừu giống, gia đình có điều kiện phát triển chăn nuôi. Sau gần một năm tham gia NST, gia đình đã có một bầy cừu kha khá. Sắp tới, tôi dự định bán bớt một số con cừu đực để trang trải cuộc sống và tiếp tục duy trì bầy cừu cái cho sinh sản để phát triển số lượng. Không riêng gì chị Mười, các hộ Phạm Thị Lan, Hồ Thị Mới là 2 hộ thuộc diện hộ phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn cũng đã thu lợi nhuận từ nuôi cừu, cuộc sống được cải thiện hơn trước.

Trưởng nhóm Hồ Văn Đạt còn cho biết thêm: Lợi thế trong chăn nuôi cừu là sinh sản nhanh, tốc độ nhân đàn cao nên khả năng đến tháng 10-2016 là thời điểm tổng kết mô hình, thì bình quân mỗi thành viên trong nhóm sẽ có từ 14-18 con cừu, tạo lập được kinh tế ổn định. Từ kết quả gặt hái được, nhóm dự định sẽ phát triển thêm thành viên bằng cách mỗi hộ sẽ trích ra một phần lợi nhuận đủ để mua 6 con cừu giống ban đầu như Dự án HTTN đã cấp, giúp một hộ nghèo hoặc cận nghèo mới trong thôn có sinh kế để phát triển kinh tế. Với cách làm này sẽ vừa nhân rộng được mô hình nuôi cừu sinh sản, vừa xoay vòng hiệu quả nguồn vốn đầu tư ban đầu để những hộ khó khăn trong thôn đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ Dự án HTTN.

Theo đánh giá của Ban Phát triển xã Lợi Hải, hoạt động của NST nuôi cừu sinh sản thôn Kiền Kiền 1 bước đầu đem lại hiệu quả là nhờ bà con chọn được đối tượng vật nuôi phù hợp và ý thức được cách thức tổ chức chăn nuôi. Hiện nay, thông qua kênh liên kết doanh nghiệp với NST, Ban Phát triển xã đang hỗ trợ nhóm tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm chăn nuôi, từ đó nhân rộng ra toàn xã nhằm mục tiêu hướng đến phát triển về quy mô và chất lượng đàn cừu một cách bền vững cho nông dân chứ không chỉ dừng ở mức độ nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình.