DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Mô hình nuôi dê sinh sản ở thôn Đá Liệt Tạo sinh kế cho người dân xóa nghèo bền vững

(NTO) Thôn Đá Liệt (xã Phước Kháng, Thuận Bắc) có 126 hộ/547 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao là do điều kiện tự nhiên ở khu vực không thuận lợi, sản xuất còn lạc hậu, năng suất cây trồng thấp.

Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua, huyện Thuận Bắc đã ưu tiên hỗ trợ bà con triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu như mô hình canh tác trên sườn dốc có tác dụng giữ được độ ẩm cho đất, nâng giá trị đơn vị diện tích từ 20 triệu đồng/ha/năm lên 40 triệu đồng. Mô hình chăn nuôi dưới tán rừng vừa cho thu nhập khá, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái. Đặc biệt, năm 2007, từ sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 hộ dân ở thôn đã thực hiện mô hình nuôi heo đen (heo địa phương), đến nay nhân rộng lên 50 hộ. Đây là mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện, trình độ của bà con vùng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Cũng nhờ thực hiện mô hình, một số hộ đã thoát nghèo. Đơn cử như hộ bà Mai Thị Nem, ban đầu chỉ nuôi heo đen nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp, gần đây người tiêu dùng ưa thích sử dụng thịt heo đen vừa ngon, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nên chị đầu tư tăng đàn, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Dê giống bách thảo do DASU huyện Thuận Bắc hỗ trợ nuôi tại hộ anh Ka-tơ Sung.

Tuy nhiên, không phải hộ nào ở thôn cũng áp dụng được mô hình chăn nuôi này, vì cần phải có quỹ đất trồng bắp, bo bo… làm thức ăn thô cho heo, mới đảm bảo duy trì quy mô đàn. Xuất phát từ thực tế, cấp ủy, chính quyền xã xác định tập trung khai thác tối đa lợi thế vùng núi để phát triển đa dạng các loại vật nuôi mới tạo được nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên, cải thiện đời sống cho bà con. Ngoài bò, heo đen là vật nuôi truyền thống, hiện nay các hộ còn đưa dê bách thảo vào nuôi. Anh Mai Văn Bấy, Trưởng ban Quản lý thôn Đá Liệt, cho biết: Trước đây tại thôn có một số hộ nuôi dê cỏ (dê địa phương) nhưng không hiệu quả, năng suất và chất lượng thịt thấp nên cuối cùng đều “treo chuồng”. Phát triển nuôi dê bách thảo là hướng đi mới, thay thế giống dê cỏ đã thoái hóa, phù hợp với xu thế hiện nay.

Để thúc đẩy chăn nuôi phát triển, tháng 11-2015, được sự hướng dẫn của Ban Phát triển xã, thôn đã thành lập Nhóm cùng sở thích nuôi dê sinh sản, gồm 8 thành viên. Ngay sau khi thành lập, DASU huyện Thuận Bắc đã hỗ trợ cho nhóm 24 dê sinh sản, vật liệu làm chuồng và một phần thức ăn ban đầu, với tổng trị giá 84 triệu đồng. Anh Ka-tơ Sung, Trưởng nhóm cùng sở thích tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên chăm sóc dê đúng quy trình kỹ thuật, như: Làm chuồng trại hợp vệ sinh, tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh đủ liều lượng… Tuy vậy, ban đầu một số con giống mới chuyển từ nơi khác về chưa kịp thích nghi với môi trường mới nên đẻ non. Khắc phục tình trạng này, nhóm đã áp dụng hình thức nuôi mới, bằng cách tách riêng những con cấn chửa để có chế độ chăm sóc phù hợp. Nhờ vậy, đàn dê thích nghi dần với điều kiện thời tiết khô hạn, đến nay đã có 4 dê nái đẻ được 10 dê con. Anh Chamaléa Xương, thành viên nhóm cho biết: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, trước đây cuộc sống chỉ dựa vào trồng trọt, nhờ được hỗ trợ dê giống tôi có điều kiện gầy dựng đàn vật nuôi. Sau 7 tháng tham gia nhóm cùng sở thích nuôi dê, hiện tôi đã có 8 con dê, trị giá hơn 20 triệu đồng. Nuôi dê sinh sản đầu tư ít, nhanh cho thu nhập, các hộ Pu Pu Niếng, Mấu Văn Dũng, Katơr Sung cũng thu nhập từ nuôi dê sinh sản, cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Đồng chí Katơ Đượng, Bí thư Đảng ủy xã Phước Kháng, cho biết: Nuôi dê sinh sản có ưu điểm là tốc độ phát triển đàn nhanh. Đảng ủy đã chỉ đạo chính quyền vận động, nhân rộng mô hình nuôi dê sinh sản đến tất cả các thôn trong toàn xã để đảm bảo sinh kế cho người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.