Tăng cường thực hiện cam kết an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố

(NTO) Theo quy định, tất cả những cơ sở chế biến, kinh doanh, sản xuất thực phẩm không thuộc diện phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) thì buộc phải ký cam kết thực hiện ATTP. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (TĂĐP).

Theo thống kê, đến đầu năm 2018, toàn tỉnh có trên 3.000 cơ sở TĂĐP; tuy nhiên chỉ có 409 cơ sở thực hiện ký giấy cam kết. Trong đó, huyện Ninh Sơn 123 giấy/435 cơ sở, chiếm 28,3%, Thuận Bắc 147/164 cơ sở, chiếm 89,6%, Thuận Nam 123 giấy/245 cơ sở, chiếm 50%. Riêng các huyện: Ninh Hải, Bác Ái, Ninh Phước chưa triển khai thực hiện. Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có đến 1.126 cơ sở nhưng chỉ có 18 cơ sở tại khu vực Chùa Ông, nơi được xây dựng mô hình điểm ATTP là đã thực hiện ký giấy cam kết, còn lại đều chưa thực hiện. Bà Mai Thị Phương Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc ký giấy cam kết ATTP hết sức quan trọng, cần thiết, không chỉ giúp cho cơ quan chức năng theo dõi tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, mà còn nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, giúp các cơ sở nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định về ATTP. Tuy nhiên, với tình hình thực hiện công tác này như hiện nay tại các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra ATTP các cơ sở kinh doanh thực phẩm
tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó chính là nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về ATTP của nhiều cơ sở còn hạn chế. Theo quy định, để có được giấy cam kết ATTP, trước tiên, các cơ sở phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về ATTP. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở khó có thể đáp ứng được điều kiện này. Ngoài ra, khi được hỏi, hầu hết các chủ cơ sở đều tỏ ra khá thờ ơ, xem nhẹ trách nhiệm thực hiện ký cam kết theo quy định. Chị N.T.Y, chủ cơ sở bán bún, phở, hủ tiếu trên đường Quang Trung (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Tôi buôn bán cả mấy chục năm nay có để ai bị ngộ độc thực phẩm đâu. Cơ bản là thực phẩm mình bán cho khách sạch sẽ, ngon là được, chứ việc ký cam kết chỉ là hình thức, quan trọng gì đâu! Trái với lời nói của mình, qua tìm hiểu, chủ cơ sở chưa thực hiện các quy định đối với cơ sở TĂĐP. Điển hình như chủ cơ sở chưa có giấy xác nhận kiến thức về ATTP; chưa có giấy khám sức khỏe định kỳ. Qua quan sát, các điều kiện về cơ sở, vật chất cũng không đáp ứng được như: quán không có sọt rác, giấy ăn được khách sử dụng vứt bừa bãi trên sàn nhà; nước rửa dụng cụ chế biến thực phẩm, tô, chén, đũa cũng không bảo đảm; thực phẩm sống, chín để gần nhau…Không chỉ tại quán của chị N.T.Y, mà rất nhiều hàng quán TĂĐP khác cũng có tình trạng tương tự, hết sức nhếch nhác, mất vệ sinh.

Trong khi nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở hạn chế, UBND các xã, phường- là cơ quan chức năng thực hiện công tác này, lại không quan tâm, thiếu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện đến các cơ sở. Công tác tuyên truyền chưa mạnh mẽ; việc xử lý vi phạm thiếu cương quyết, cả nể, từ đó dẫn đến tâm lý chủ quan, xem thường pháp luật của các cơ sở.

Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu có trên 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhận thức được tầm quan trọng của ATTP và hậu quả của việc sản xuất, cung cấp thực phẩm không an toàn đến sức khỏe của người dân và cộng đồng, cam kết cung ứng các sản phẩm thực phẩm đảm bảo ATTP đến tay người tiêu dùng. Như vậy, để việc ký cam kết ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nói chung và các cơ sở TĂĐP nói riêng đạt được mục tiêu đề ra, các cấp, địa phương cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tập trung các giải pháp, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.