Biển Đông : Thỏa thuận tiềm năng nào giữa Philippines và Trung Quốc ?

(NTO) Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque cho biết bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào giữa Manila và Bắc Kinh về khai thác năng lượng trên Biển Đông cần được ký kết với một công ty, chứ không phải Chính phủ Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ANC ngày 1-3, ông Roque cho biết: “Chúng tôi có thể thỏa thuận với một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc, chứ không phải nhà nước Trung Quốc. Chúng tôi không chấp nhận một thỏa thuận khai thác liên quan tới chủ quyền. Đó sẽ là thỏa thuận giữa hai doanh nghiệp”.

Quan chức này cho biết các cuộc đàm phán về vấn đề này vẫn đang tiếp tục với một công ty quốc doanh của Trung Quốc, song không nêu đích danh. Tuy nhiên, theo ông Roque, hiện vẫn còn những hoài nghi về khả năng một thỏa thuận chung sẽ được chấp thuận, do Trung Quốc không ủng hộ các hoạt động buộc họ phải thực hiện chung với những bên khác. 

Hồi tháng trước, Philippines và Trung Quốc đã nhất trí thành lập một ban chuyên trách để thảo luận về cách thức khai thác dầu và khí đốt chung trên Biển Đông, mà không phải đề cập tới vấn đề chủ quyền. Việc theo đuổi một dự án chung sẽ cực kỳ phức tạp và nhạy cảm, bởi việc chia sẻ trữ lượng dầu và khí đốt có thể được xem là chấp nhận tuyên bố chủ quyền của các nước khác. 

Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ví hoạt động thăm dò chung giữa Manila và Trung Quốc trên Biển Đông với việc "đồng sở hữu". Trong một bài phát biểu với những người dân và quan chức chính quyền tại thành phố Marawi, ông Duterte nói: "Họ (Trung Quốc) đề nghị thăm dò chung. Vì vậy, điều đó giống như việc đồng sở hữu, nó giống như hai chúng ta cùng sở hữu. Điều đó tốt hơn so với giao tranh". 

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte không làm rõ ý của ông là Philippines và Trung Quốc đồng sở hữu Biển Tây Philippines (tên gọi mà Manila dùng để chỉ Biển Đông), hay các tài nguyên được phát hiện tại đây, ví dụ như dầu mỏ. 

Người phát ngôn Thủ tướng, ông Roque, nhấn mạnh rằng đây là vấn đề thăm dò và khai thác chung, là một giải pháp thiết thực để Philippines tiếp cận với các nguồn tài nguyên mà không vấp phải xung đột về chủ quyền. Ông nói rằng Tổng thống Duterte đã sử dụng từ “đồng sở hữu” như một lối so sánh để cố gắng đơn giản hóa vấn đề. 

Philippines đã đình chỉ việc thăm dò tại Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào năm 2014 để theo đuổi một vụ kiện về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hay quyết định về quyền chủ quyền của Manila trong việc tiếp cận các mỏ dầu khí ở Biển Đông, bao gồm Bãi Cỏ Rong, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. 

Tuy nhiên, theo lời phát ngôn viên Roque, một số người nghi ngờ tính khả thi của thỏa thuận chung vì Trung Quốc không thích các hoạt động chung. 

Quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đã nồng ấm hơn dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Duterte. Ông Duterte đã gạt các vụ tranh chấp lãnh thổ sang một bên để đổi lấy các cơ hội thương mại, và cam kết tài trợ của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng Philippines. 

Trong một thông tin liên quan, theo Tân Hoa xã, Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu tiến hành cuộc họp lần thứ 23 của nhóm công tác chung về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong hai ngày 1- 2/3 tại Nha Trang, Việt Nam.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo thường lệ cho biết các bên liên quan sẽ trao đổi quan điểm về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), xúc tiến hợp tác trên biển, và tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Chuyên gia người Mỹ Gregory Poling hồi tháng 1 cho rằng ASEAN và Trung Quốc còn phải mất thêm khoảng 20 năm nữa để có được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc. Theo Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) này, không có dấu hiệu chứng tỏ Trung Quốc muốn đàm phán một cách nghiêm túc. Nếu các nước khác ngưng hành động trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa khu vực để giành lợi thế. Chuyên gia Poling cho rằng tuy thương thảo về COC, nhưng ASEAN không nên coi đây là lựa chọn duy nhất, mà nên đồng thời xây dựng lực lượng cảnh sát biển, hợp tác với các nước khác. 

Về vấn đề này, báo Le Figaro (Pháp) có bài phân tích đáng chú ý về nguy cơ Trung Quốc mở rộng bành trướng lãnh thổ, trước hết tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau việc đảng Cộng sản Trung Quốc sửa đối Hiến pháp. 

Le Figaro dự đoán rằng với khả năng quyền lực nằm trọn trong tay Chủ tịch Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh rất có thể sẽ lựa chọn chiến lược cứng rắn, tăng cường ảnh hưởng trước tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và buộc Mỹ phải lùi bước.

Theo chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp (Fondationpour la recherche stratégique), để thống trị thế giới, Trung Quốc trước hết sẽ tìm cách thống trị châu Á. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Thì Ân Hoằng (Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh) nhấn mạnh là quân đội Trung Quốc sẽ gia tăng cạnh tranh với Mỹ về quân sự, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân, chinh phục không gian và công nghệ tin học. 

Tại Biển Đông, xung đột quân sự có thể sẽ bùng phát, tiếp theo một loạt đụng độ nhỏ, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, cho dù Trung Quốc và Mỹ đều không có lợi nếu chiến tranh xảy ra. Theo chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc một trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Washington, chính quyền Tập Cận Bình sẽ “đẩy mạnh hơn nữa” các tham vọng tại vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.

Theo TTXVN